(HNMO) - 1.145.182 nhân khẩu và khoảng 540.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ từ nguồn dự trữ quốc gia trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2016 và học kỳ I năm học 2015-2016.
Ông Lê Văn Thời trả lời những câuhỏi liên quan đến việc cấp phát gạo trong dịp Tết và giáp hạt 2016 |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề cuộc họp báo diễn ra chiều 23-2 tại Hà Nội, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, mặc dù số lượng người dân, học sinh được cấp phát gạo rất lớn, song danh sách cấp phát sẽ được rà soát nghiêm ngặt, bảo đảm gạo hỗ trợ sẽ tới đúng địa chỉ?
- Hơn 1 ,6 triệu người dân và học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ trong dịp Tết và giáp hạt 2016. Vậy tình trạng cấp phát sai đối tượng có xảy ra không thưa ông?
Trong dịp Tết nguyên đán Bính Thân, Tổng cục DTNN đã nhận được văn bản của 17 tỉnh, đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho khoảng 1.145.182 nhân khẩu, tương ứng với số gạo hỗ trợ là 17.177,73 tấn. Mức hỗ trợ là 15kg/tháng/nhân khẩu, thời gian hỗ trợ 1 tháng. Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với các tỉnh kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cấp phát gạo kịp thời cho các địa phương, bảo đảm cung ứng 100% lượng gạo được cấp phát trước Tết nguyên đán. Liên quan đến việc cấp phát gạo cho học sinh năm học 2015-2016, Tổng cục DTNN cũng cho biết, trong học kỳ I, đã xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho khoảng 540.000 học sinh tại 48 tỉnh, thành phố. Số lượng gạo thực tế Tổng cục DTNN đã xuất 39.885,15 tấn. Trong học kỳ II, Tổng cục DTNN đã có Tờ trình Bộ xuất 32.976.381 kg gạo cho 539.261 học sinh. Thời hạn thực hiện đến hết ngày 15-5-2016.
Mặc dù số lượng người nghèo và học sinh được cấp phát gạo dự trữ rất lớn, song công tác rà soát lập danh sách người dân, học sinh được nhận gạo hỗ trợ đã được chính quyền địa phương và các Sở, ngành, đoàn thể rà soát rất chặt chẽ theo quy định của Thủ tướng chính phủ. Công tác thanh kiểm tra xuất cấp gạo cũng được Tổng cục DTNN thực hiện, giúp gạo hỗ trợ đến được tận tay người nghèo và học sinh theo đúng thời hạn quy định.
Trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, khi đi kiểm tra đột xuất công tác cấp phát gạo dự trữ tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cũng đã có hộ dân thắc mắc: sao gia đình hộ có 4 nhân khẩu, song chỉ được 2 khẩu hỗ trợ. Địa phương đã giải thích ngay tại chỗ cho người dân lý do: 2 cháu không nhận hỗ trợ do đã nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nên gia đình chỉ có 2 suất gạo hỗ trợ. Trường hợp này cho thấy, UBND cấp tỉnh đã làm khá sát với thực tế. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng làm rất chặt chẽ, hạn chế mọi khiếu kiện phát sinh khi xuất cấp gạo cho người dân, học sinh.
- Song trên thực tế, tại một số điểm trường vùng cao, đã từng xảy ra trường hợp gạo đến muộn khiến cả cô và trò gặp khó khăn. Một số điểm trường còn phản ánh gạo dự trữ được phát có tình trạng mốc, hỏng, kém chất lượng. Điều này sẽ được khắc phục ra sao?
Năm học 2013-2014 là năm đầu tiên học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, nên công tác rà soát thống kê trình số lượng lên Thủ tướng Chính phủ hơi chậm. Điều này khiến tháng 9 khai giảng năm học rồi mà có trường đến tháng 11, 12 mới có gạo hỗ trợ. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng liên quan đã cùng rút kinh nghiệm. Khi học kỳ 1 sắp hết, các đơn vị sẽ rà soát chuẩn bị danh sách cấp phát gạo cho học kỳ 2 và dự kiến luôn danh sách của học kỳ I năm sau để xây dựng báo cáo sớm danh sách đối tượng thụ hưởng. Phương pháp này khá hiệu quả và việc chậm trễ không còn nữa. Qua kiểm tra trường Bắc Đại Sơn ở Quản Bạ, Hà Giang, đoàn kiểm tra của Tổng cục DTNN đã chứng kiến nhà trường thành lập một Ban quản lý gạo hỗ trợ và công khai rõ tiền gạo, tiền hỗ trợ mua thức ăn hàng ngày. Thực tế này cho thấy, cấp địa phương làm khá tốt công tác quản lý và sử dụng gạo cấp phát.
Về phản ánh gạo cấp phát bị mốc hỏng là do khí hậu vùng cao ẩm ướt, mưa nhiều, thời gian nghỉ Tết của học sinh vùng cao lại dài hơn miền xuôi do khí hậu khắc nghiệt. Qua nghiên cứu, Tổng cục DTNN đã bọc thêm bao nilon cho gạo dữ trự tại đây với chi phí không đáng kể, song đã khắc phục hoàn toàn được tình trạng gạo mốc, hỏng.
- 2016, Tổng cục DTNN đặt mục tiêu xây dựng năm chất lượng, điều này sẽ được thực hiện ra sao?
Như các bạn biết, hàng dự trữ bảo quản thường trong thời gian rất dài. Nếu khi xuất ra không sử dụng được thì ngành DTNN đã không hoàn thành nhiệm vụ với người dân với Đảng. Băn khoăn của chúng tôi là làm sao phải kéo dài thời gian lưu kho cho hàng dự trữ Năm chất lượng nên công chức ngành DTNN sẽ phải nêu cao chất lượng kiểm tra từ khi hàng về, lưu kho và xuất cấp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm để bảo đảm chất lượng hàng dự trữ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.