(HNMO) - Lượng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi trong 13 tháng qua đã tăng lên gần mức 1.000 tỷ USD, gấp đôi so với mức ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Dòng vốn ồ ạt rút khỏi các nền kinh tế mới nổi đã làm dấy lên mối lo ngại về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, sự suy yếu đồng nội tệ và nhu cầu tiêu dùng yếu ớt tại những quốc gia vốn được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo chiến lược gia Maarten-Jan Bakkum tại NN Investment Partners, dòng vốn đã bị rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi khi nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, các định chế tài chính chuyển tiền của họ ra nước ngoài, gây áp lực lớn đối với đồng nội tệ của nhiều quốc gia.
Các chuyên gia phân tích kinh tế lý giải rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu vốn khỏi các thị trường mới nổi là do Trung Quốc liên tiếp phá giá nhân dân tệ trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rục rịch nâng lãi suất trong năm nay, lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ qua. Khả năng Fed có thể nâng lãi suất vào mùa thu năm nay đã khiến đồng USD tăng giá mạnh, hút dòng vốn chảy ngược về Mỹ.
Trong khi đó, mối lo ngại về tình hình căng thẳng chính trị leo thang tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Brazil và Malaysia cũng đang tác động tiêu cực tới niềm tin của giới đầu tư vào thị trường mới nổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.