(HNM) - Tết Nguyên tiêu là ngày lễ thiêng đầu năm mới, người người đổ đến đền, chùa cầu phúc, cầu an. Tục truyền, trong ngày Rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng giám lòng thành của tín đồ, bởi thế, ngày 14 hoặc chính Rằm tháng Giêng, đền, chùa trở nên quá tải, Rằm tháng Giêng năm Canh Dần cũng không phải là ngoại lệ.
Nô nức lễ chùa
Từ ngày 12 tháng Giêng, nhiều chùa ở Hà Nội đã bắt đầu mở các khóa lễ cầu an. Một vị sư ở chùa Hòa Mã cho biết: Mỗi khóa lễ ở chùa Hòa Mã có tới hàng trăm hộ gia đình tham gia. Nhu cầu dâng sớ cầu an rất lớn nên chùa sẽ tổ chức các khóa lễ đến ngày 22 tháng Giêng.
Đi lễ ngày Rằm tháng Giêng tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Viết Thành |
Nổi tiếng linh thiêng, lại là danh thắng đẹp nên người đến khu vực chùa Trấn Quốc trong dịp Rằm tháng Giêng năm Canh Dần rất đông. Bác Nguyễn Văn Nam, người đã quy bái cửa chùa Trấn Quốc từ 25 năm nay cho hay: Dự kiến lượng khách đến trong ngày Rằm tháng Giêng vào khoảng 5.000 đến 7.000 người. Phủ Tây Hồ, một trong những đền phủ có lượng người đến dâng lễ dịp Rằm tháng Giêng nhiều nhất Hà Nội, không lúc nào ngớt khách. Ông Trương Công Đức, Trưởng ban Quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: Hơn chục ngày qua, Phủ đã đón gần 10 vạn lượt khách. Từ trước Tết, BQL phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, phân công người trông giữ xe, bố trí bảo vệ. Nhờ đó, hiện tượng móc túi, lấy trộm đồ lễ ở Phủ Tây Hồ đã giảm so với những năm trước.
Là một trong gần 5 vạn lượt khách hành hương về đất Phật Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) trong ngày 14 tháng Giêng, chị Nguyễn Thị Nguyệt, phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa nói: "Gia đình tôi đi lễ chùa, những mong cả năm thanh thản làm ăn, công tác chứ không phải vì mê tín dị đoan".
Giá dịch vụ tăng
"Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", đình, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp cơm, chút hương hoa thơm cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Một cặp trầu cau có giá 4.000-6.000 đồng; một cành hoa cúc có giá từ 2.000-3.000 đồng, hoa hồng cũng tăng lên so với ngày thường, tới 1.000-2.000 đồng/bông. Hoa đào vẫn được ưa chuộng. Bác Đặng Tấn Dương, chuyên bán đào ở Nhật Tân cho biết: Dịp Tết Thượng nguyên, những cành đào nhỏ nhắn nhiều lộc bán rất chạy, một cành đào bé cũng có thể thu về 50.000-100.000 đồng; bó đào lộc cũng phải 20.000-30.000 đồng.
Tại chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn, nhiều người đăng ký dâng sao từ Rằm tháng Chạp, dịch vụ thi nhau mọc lên, hộ dân gần chùa "khoanh" vỉa hè làm bãi giữ xe cho khách. Giá gửi xe máy lên tới 10.000 đồng, thậm chí là 20.000 đồng/xe. "Giá chung là thế rồi. Đất chật, kiếm được chỗ gửi xe vất vả lắm" - một chủ trông xe tại 232 Tây Sơn phân trần. Mỗi lần dâng lễ cầu an ở chùa Quán Sứ, Hòa Mã, Phủ Tây Hồ, có giá từ 100.000-300.000 đồng cho một hộ gia đình; gặp "sao xấu", muốn "giải", tín chủ phải bỏ ra từ 50.000-100.000 đồng/người. Dù vậy, không mấy ai do dự bởi họ cho rằng được dâng sớ lên các chùa lớn trong ngày Rằm tháng Giêng đã là điều phúc. Ông Giang, thành viên Ban khánh tiết chùa Quán Sứ cho biết: Lượng sớ khách dâng lên mỗi ngày ở chùa không tính được bằng tờ mà là bằng cân, có ngày lên đến hàng chục cân.
Rằm tháng Giêng, lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt nhưng không mấy ai muốn thấy cảnh chen lấn nơi cửa Phật, phó thác việc đời cho một khóa lễ cầu may. Hòa thượng Thích Thanh Dương, chùa Quán Sứ phân tích: Nghi lễ dâng sao tiếp thêm nghị lực để mỗi người yên tâm hơn trước những việc khó khăn trong năm mới chứ không nên dựa vào nghi lễ này mà thiếu ý thức phấn đấu, chủ quan.
Hôm nay ngày Rằm tháng Giêng, những nén hương thơm tiếp tục được thắp trên ban thờ Phật các gia đình. Hương khói ngày Rằm, ước vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc, no đủ của người dân Việt lại được thắp lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.