Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hôm nay (14-6), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025: Khẳng định bước chuyển mới

Hà Vũ| 14/06/2023 06:04

(HNM) - Hôm nay (14-6), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) tiến hành Hội nghị lần thứ mười ba nhằm xem xét các báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ. Nhìn lại hơn hai năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã khẳng định bước chuyển mới thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đang tiến những bước vững chắc tới mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Thành phố Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (huyện Mê Linh).

Thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị

Đầu tháng 5 vừa qua, chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 6 ấn tượng về thành tích trong xây dựng và phát triển của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Thủ tướng đánh giá: “Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…”.

Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khó khăn chung của thế giới, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Hà Nội đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước, bảo đảm sinh kế cho người dân. Năm 2021 là cao điểm của đại dịch Covid-19, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt dương 2,92%.

Năm 2022, đến giữa tháng 3, Hà Nội đã khống chế dịch thành công, mở hết các dịch vụ; kinh tế tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; GRDP cả năm tăng 8,89% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, trong nước nhiều địa phương sụt giảm mạnh, có địa phương tăng trưởng âm, nhưng dự báo GRDP thành phố vẫn tăng 5,97%.

Thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược

Kết quả trên có được là nhờ Thành ủy Hà Nội luôn thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược, đã tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Các mặt công tác xây dựng Đảng đều có bước đổi mới, tiến bộ. Đặc biệt, Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, ban hành nghị quyết, chỉ thị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đề cao cá thể hóa trách nhiệm và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... 3 năm nay, thành phố đã thực hiện và phát huy có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Đáng chú ý, 10 chương trình công tác lớn cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã được triển khai thực hiện khẩn trương, bài bản, khoa học và đạt kết quả tích cực; cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu theo lộ trình. Tiêu biểu như thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, đến nay đã có 7/14 chỉ tiêu vượt, còn 7/14 chỉ tiêu cơ bản đạt.

Kết quả thực hiện các chương trình đều nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ban, ngành Trung ương. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, với sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị của Hà Nội trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU đã tạo chuyển biến cho lĩnh vực văn hóa của Thủ đô.

Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Chương trình số 04-CTr/TU đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; nông sản phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị...

Thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng. Trong ảnh: Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai) được xây mới góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Đỗ Tâm

Tình yêu, trách nhiệm và khát vọng phát triển

Nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong nửa sau nhiệm kỳ là rất lớn, càng khó khăn hơn khi bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều thách thức đặt ra. Trước yêu cầu đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Để làm được điều đó, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa, lãnh đạo thành phố đã chỉ rõ, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND, UBND nhịp nhàng, đúng tinh thần “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển.

Trong tiến trình đó, Hà Nội rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, trước mắt là giúp Hà Nội sớm được thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là triển khai thành công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng tiến độ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay (14-6), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025: Khẳng định bước chuyển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.