(HNM) - Dù nhiều loại máy móc hiện đại ra đời đã thay thế sức lao động của con người, nhưng ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) vẫn có những người phụ nữ gắn bó với công việc tráng bánh cuốn thủ công. Họ miệt mài gìn giữ, phát huy giá trị nghề truyền thống, đưa hương vị bánh cuốn của quê hương đến với nhiều thực khách hơn.
Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Trì có 11 chi hội với 1.989 hội viên. Là phường có nghề truyền thống nên số lượng phụ nữ tham gia làm bánh cuốn khá nhiều, khoảng 50 hộ gia đình. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Trì Trần Thị Lan cho biết, nhờ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống nên hội viên phụ nữ của phường làm nghề tráng bánh cuốn đều có cuộc sống ổn định. Mỗi ngày có hàng trăm đơn hàng bánh cuốn được đưa đi khắp nơi, trong khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bánh cuốn Thanh Trì” cho Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Trì.
Gắn bó với nghề tráng bánh cuốn từ khi còn nhỏ, bà Nguyễn Thị The (ngoài 60 tuổi; ở tổ dân phố số 3, phường Thanh Trì) cho biết, hiện nay, bà vẫn làm nghề tráng bánh cuốn. Một trong những bí quyết để có được mẻ bánh chất lượng là phải chọn gạo ngon thì mặt bánh mới láng mượt. Xay bột bằng cối đá và tráng bánh bằng tay, bánh mới ngon. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng bà tráng khoảng 20kg bánh cuốn cung cấp cho thị trường. Sản phẩm bánh cuốn của gia đình bà The đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng tại các hội thi và đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn bà Vương Thị Kim Loan (tổ dân phố 9+11, phường Thanh Trì) lại được thừa hưởng nghề tráng bánh cuốn từ bố mẹ chồng truyền lại cách đây 25 năm. Bà Loan tâm sự: “Nghề làm bánh cuốn truyền thống vất vả, lấy công làm lãi, chỉ những người tâm huyết với nghề mới làm. Tôi không tráng bánh bằng máy mà làm bằng thủ công để cố gắng giữ gìn, phát huy và đưa hương vị bánh cuốn Thanh Trì đến với nhiều người hơn. Cũng chính nhờ nghề này mà gia đình tôi có được cuộc sống ổn định”.
Ở phường Thanh Trì có nhiều gia đình có 3 thế hệ đều biết và làm bánh cuốn. Đó là một điều đáng quý. Là thế hệ thứ 3 trong gia đình, chị Trần Thùy Dung, 25 tuổi là con gái của bà Vương Thị Kim Loan bộc bạch: “Bà và mẹ dạy cho tôi cách làm bánh cuốn từ nhỏ. Ngoài giờ đi làm, tôi hỗ trợ bố mẹ hằng ngày để giữ nghề truyền thống, sau này truyền lại cho con cháu”.
Không chỉ truyền nghề cho người thân trong gia đình, bà Vương Thị Kim Loan còn dạy nghề cho các chị em phụ nữ của địa phương. Bởi với bà Loan, càng nhiều người giữ được nghề thì đó mới là niềm vui lớn. Còn bà Nguyễn Thị The tâm sự: “Tôi cũng dạy nghề cho nhiều phụ nữ ở trong nước và cả Việt kiều ở các nước về. Họ biết đến thương hiệu của gia đình tôi qua mạng xã hội, tìm đến học nghề. Tôi có 2 con trai, cũng mong sớm có con dâu để truyền nghề. Làm bánh cuốn tuy không giàu nhưng chúng tôi muốn nghề này không bị mai một”.
Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Vương Thị Ánh Tuyết cho hay, trong sự phát triển của làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ phường. Bằng đôi tay khéo léo, tài hoa, những chiếc bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành món ăn nổi tiếng khắp cả nước và nước ngoài. Những năm gần đây, nhờ tích cực kinh doanh bán hàng thông qua mạng xã hội, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bánh cuốn Thanh Trì được hiệu quả hơn, giúp làm tăng giá trị sản phẩm, thu nhập người làm nghề cũng tăng theo, thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển. Một số cơ sở sản xuất bánh cuốn trên địa bàn phường đã kết hợp tráng bánh với mô hình du lịch ẩm thực, thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, trực tiếp trải nghiệm nghề truyền thống…
Thời gian tới, UBND phường Thanh Trì sẽ tiếp tục xây dựng các biện pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nghề bánh cuốn Thanh Trì; tạo sự liên kết chặt chẽ từ phường tới khu dân cư, tổ dân phố và các hộ đang làm bánh cuốn, để lan tỏa món ăn giản dị, gần gũi của người Hà thành đến với nhiều thực khách trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.