(HNMO) - Nhà hát Tuổi trẻ đến với chương trình đặc biệt nhớ nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ sau 26 năm ngày mất của ông với hai vở kịch nổi tiếng
Một cảnh trong vở "Mùa hạ cuối cùng" do NHTT dàn dựng. |
Mặc dù nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đi xa nhưng những tác phẩm ông để lại vẫn còn nguyên giá trị. NSUT Chí Trung khẳng định: "Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó phù hợp với Nghị quyết Trung ương vừa qua. Vở diễn nói lên được sự bức xúc trăn trở của người dân với những việc làm chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở ở một vài nơi".
Trong lần dựng lại này, một vài chi tiết của kịch đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế, như thay vì vài sào ruộng bằng cả chục ha đầm nuôi tôm, mối quan hệ chồng chéo, người nhà của chủ tịch xã với cấp trên. Chính trợ lý đạo diễn Chí Trung cũng cho rằng: "Nếu như chúng ta xem lại Lời thề thứ 9, được sửa đổi vài chi tiết của kịch thì sẽ thấy thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương. Điều này làm cho tính thời sự của vở diễn được cập nhật hơn và nóng hơn".
NSUT Đức Trung, thế hệ đầu diễn vở Lời thề thứ 9 của Nhà hát Tuổi trẻ nói: "Bản thân vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đã hay, hấp dẫn người xem, ngày trước có 2 đoàn kịch cùng diễn vở ấy vẫn hút khán giả. Thậm chí có thời điểm 8- 9 đoàn cùng dựng Lời thề thứ 9 chứng tỏ nó có sức hút của kịch phẩm như thế nào".
Những diễn viên trẻ hôm nay dù không qua chiến tranh nhưng với sự tìm hiểu, được bổ khuyết từ những thế hệ đi trước nên thông điệp của Lời thề thứ 9 sẽ đến khán giả nguyên vẹn và ấn tượng như xưa.
Với Mùa hạ cuối cùng Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng hướng tới lớp khán giả trẻ, vở kịch giáo dục con người bằng niềm tin, tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những con người có ích cho xã hội. Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải đuợc làm lại. Ban giám hiệu đã có cuộc họp, mọi mâu thuẫn xảy ra, để đảm bảo cho danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời –một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.
Dù là vở chính kịch nhưng đạo diễn NSƯT Chí Trung đã khéo léo lồng ghép các tình huống gây cười khiến cho thông điệp mang tính triết lý của vở kịch được truyền tải một cách nhẹ nhàng nhưng sâu cay, người xem không cảm thấy tính lý thuyết, giáo điều ở sân khấu kịch. Dù kịch bản đã viết cách đây 30 năm nhưng những gì mà 46 diễn viên của đoàn kịch 1, 2 của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện vẫn rất mới mẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.