Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo về ''Truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt''

Thống Nhất| 29/10/2022 14:42

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), ngày 29-10, tại Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ), Hội Cựu Giáo chức Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, Trung tâm Sáng tạo Việt và Trường Trung học phổ thông Đông Đô tổ chức hội thảo “Truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt”.

Phần tham luận của Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt. 

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đông Đô nhấn mạnh, nhà giáo là những người đi tiên phong và quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục - đào tạo càng có vị trí đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Nếu giáo dục là chìa khóa của tương lai thì nhà giáo là người nắm chữ chìa khóa đó. Vinh quang của nhà giáo hóa thân trong thành đạt của các thế hệ học trò. Giáo dục mỗi con người trở thành công dân tốt cả về phẩm chất và năng lực là một quá trình liên tục, bền bỉ không ngừng của nhà trường, gia đình và xã hội. Giáo dục là nơi thực hiện sự bồi đắp, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà giáo cùng nhau chia sẻ, phân tích căn cứ khoa học và thực tiễn về truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt, phân tích nội hàm của truyền thống đó trong các giai đoạn lịch sử từ quá khứ đến hiện nay. Các ý kiến tại hội thảo cũng nhận diện những thách thức và cơ hội đối với nhà giáo hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Các ý kiến thống nhất đề xuất một số kiến nghị như: Đưa Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023-2024 để tạo nền tảng pháp lý cho đội ngũ nhà giáo thực hiện sứ mệnh đối với nhân dân; có kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ để đánh giá đúng, khách quan những việc đã làm được, nhận diện những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới; cần thực hiện chương trình xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa... 

Trước thông tin về tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, các ý kiến đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng lương cơ sở và nâng mức lương khởi điểm cho giáo viên để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp vào ngành giáo dục. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo về ''Truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.