Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo quốc gia ''Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới''

Hoàng Quyên| 29/11/2022 10:08

(HNMO) - Sáng 29-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trao đổi, nghiên cứu, hướng đến xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đến dự hội thảo có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; cùng các đại biểu tham dự tại các đầu cầu tại Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc "tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nêu lại định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, tại hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các nội dung: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận, nội dung các hệ giá trị và phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội thảo cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng tham luận tại hội thảo.

6 lý do và 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng triển khai các hệ giá trị quốc gia

Trong phiên thảo luận thứ nhất - “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, các đại biểu tập trung làm rõ những lý do, yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung cốt yếu của các thành tố trong từng hệ giá trị và mối quan hệ trong giữa các hệ giá trị, đặc biệt là hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam; đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trong bài tham luận về tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đưa ra có 6 lý do và 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng nhằm triển khai giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị con người chuẩn mực.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, “văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”, những giá trị cao đẹp, bền vững trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy. Những giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, hệ giá trị truyền thống cần được khẳng định là gì thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhiều khi còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng cũng cho biết, khoảng hơn 20 năm qua, kể từ Đại hội IX (2001) đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề xuất, nghiên cứu về hệ giá trị và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, các kết quả trên chủ yếu mới chỉ nêu vấn đề, gợi mở, đề xuất song chưa đi tới một kết luận có ý nghĩa, giá trị “pháp lý” cần thiết, một sự đồng thuận cao để có thể tạo nên những hoạt động triển khai có tính thống nhất. 

Từ những lý do trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng nêu 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng để triển khai các hệ giá trị quốc gia, sắp xếp thang giá trị thành một hệ thống nhất sau: Hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia - dân tộc, được hun đúc từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai; hệ giá trị con người Việt Nam nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm, căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam; chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau; hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị…

Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu mở đầu phiên thảo luận thứ nhất - "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Phát triển toàn diện con người Việt Nam trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Đóng góp tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với tham luận “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” cho biết, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phó Giáo sư Lương Đình Hải cho biết, trong 2 thập niên qua, một số học giả cũng cơ bản đưa ra những phẩm chất, đặc tính của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính: 

- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Sự ổn định của gia đình là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ở góc độ quản lý văn hóa, Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong tham luận “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới” thẳng thắn nêu, việc hội nhập sâu rộng với quốc tế, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mặt khác, gia đình Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội. Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Đại hội IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của gia đình đối với sự phát kinh tế - xã hội, sự hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. 

“Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, các văn bản về gia đình và công tác gia đình chưa thực sự nhấn mạnh đến vai trò then chốt của hệ giá trị gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng giá trị gia đình ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay”, Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh nêu.

Theo bà Trần Tuyết Ánh, đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại nhưng nhiều giá trị gia đình không thể thay thế, đó là: Giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống...

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan khu trưng bày triển lãm sách, tài liệu: Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Phát huy vai trò người phụ nữ thời đại mới

Tham góp cho phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương với bài tham luận “Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” đã nêu vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc vun đắp, xây dựng gia đình mới.

Bà Minh Hương cho rằng, người phụ nữ có vai trò rất lớn để duy trì gia đình hạnh phúc, điều này cũng đòi hỏi người phụ nữ hiện đại thực hiện nhiều trọng trách, vừa đảm việc nước, giỏi việc nhà. 

Để hỗ trợ cho người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Điển hình là Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình “Câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Đây là mô hình phổ biến nhất ở các địa phương, có ý nghĩa tích cực, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ vấn đề về giáo dục gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, kiến  thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng cho biết, các mô hình tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình, an toàn cho phụ nữ và trẻ em được triển khai rộng khắp 63 tỉnh, thành, qua đó bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, bạo lực gia đình… góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà bình yên” đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em.

Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất, có 9 báo cáo, tham luận tham gia đóng góp cho hội thảo. Hội thảo cũng có phiên thảo luận bàn tròn để các đại biểu đóng góp ý kiến cho việc xây dựng những giá trị cốt lõi để xây dựng “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. 

Buổi chiều, hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Xây dựng hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hóa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo quốc gia ''Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.