(HNMO) - Sáng ngày 28-4, Sở VH,TT&DL, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức Hội thảo khoa học Thành cổ Ô Diên. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực cổ sử, khảo cổ, Hán nôm, kiến trúc, văn hoá, bảo tàng…
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận tâm huyết của các GS, TS và các nhà khoa học |
Theo sử sách ghi lại: Nói đến thành Ô Diên là nói đến thời Tiền Lý (544-602) với Nam đế Lí Bí (544 - 548), Việt Vương Triệu Quang Phục (548 - 571) những anh hùng mở đầu cho việc khôi phục nền độc lập tự chủ, lần đầu tiên xưng đế của dân tộc Việt Nam. Đồng thời chúng ta cũng phải nhắc đến tên tuổi của Hậu Nam đế Lí Phật Tử (571 - 602), người đã ở ngôi 32 năm gìn giữ nền độc lập, dựng đô ở Ô Diên và duy trì Diên thành trong mấy chục năm để lưu danh trong sử sách cho đến ngày nay.
15 thế kỷ đã qua nên việc làm rõ quy mô, dấu tích kiến trúc, vị trí cụ thể của thành Ô Diên (thế kỷ VI) là rất khó, nhưng phần lớn các ý kiến tham luận tại Hội thảo nhất trí xác định thành Ô Diên ở khu vực xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng ngày nay và khu vực này có thể được mở rộng hơn ở những vùng châu thổ của các sông Hồng, Đáy và Nhuệ Giang mà khu vực miếu Hàm Rồng, xã Hạ Mỗ là một trong những địa chỉ cũ ở Ô Diên thành. Việc nghiên cứu về thành Ô Diên có ý nghĩa rất lớn, giúp cho sự nhận hiểu về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội không chỉ là 1000 năm mà trước đó rất xa Thăng Long đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để lọt vào mắt xanh của vua Lý Thái Tổ trước quyết sách định đô ở Thăng Long.
Nhằm tri ân với các bậc tiền nhân, các nhà khoa học đã thống nhất đề nghị thành phố, huyện Đan Phượng cần sớm có giải pháp để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu sâu hơn về vùng đất cổ Hạ Mỗ; huyện Đan Phượng cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu vực thành Ô Diên, đồng thời cùng với các nhà khoa học xác định cụ thể hơn vị trí của toà thành để phát lộ, khai quật khảo cổ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.