(HNM) - Chúng tôi về xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh đúng dịp xã đang hối hả san lấp, cải tạo lại hơn 100 ha đất bãi trước đây dùng để sản xuất gạch thủ công.
Tuy nghề sản xuất gạch, ngói mang lại lợi nhuận khá, nhưng môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ đất mặt màu mỡ bị cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Trước thực trạng đó, bà con đã mạnh dạn từ bỏ cái lợi trước mắt, quay về chăm sóc đồng ruộng, chuyển hướng làm ăn nhằm giữ thế ổn định lâu dài.
Chuyện cũ
Huyện Mê Linh là nơi có nhiều lò gạch nhất Hà Nội, với 1.518ha đất bãi ven sông Hồng, cao điểm có hơn 400 vỏ lò. Do nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng mạnh nên hoạt động khai thác đất trái phép để sản xuất gạch, ngói và san lấp mặt bằng của các tổ chức, cá nhân cũng vì thế mà phát triển như "nấm mọc sau mưa". Do được phù sa bồi đắp nên phần đất ngoài đê, sát sông Hồng của xã Hoàng Kim khá màu mỡ. Thấy việc canh tác trên đồng ruộng cho lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, bà con chuyển sang sản xuất gạch xây dựng nhằm thu lãi nhanh. Lúc đầu chỉ có vài hộ tham gia, sau thấy lãi gấp hàng chục lần so với trồng lúa, hàng trăm gia đình đổ xô xây lò đốt gạch. Phải nói rằng, sản xuất gạch xây dựng đã giúp Hoàng Kim giàu lên nhanh chóng, không còn dáng dấp của một làng quê thuần nông. Chỉ trong dăm năm, từ 2004 đến 2009, xã đã có hàng trăm ô tô vận tải các loại, chủ yếu là xe trọng tải lớn trên 10 tấn. Nhà cửa khang trang, các trục đường giao thông trong xã được đầu tư hoàn chỉnh. Không những thế, các lò gạch còn tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Toàn xã có tới hơn 1.000 lao động làm việc trong các lò gạch cũng như cung ứng dịch vụ vận tải với thu nhập khá cao, ngoài ra còn thu hút 500-700 lao động ở các vùng khác đến làm việc.
Toàn bộ vùng đất bãi bỏ hoang do đốt gạch của xã Hoàng Kim đang được cải tạo và sẽ chia lại cho dân trong thời gian tới. Ảnh: Sơn Tùng |
Ông Nguyễn Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim cho biết: "Lợi nhuận thu được từ sản xuất gạch rất cao, nhưng hậu quả để lại cũng không nhỏ, sau khi tuyên truyền, vận động, kết hợp với các biện pháp cưỡng chế, cuối năm 2009 xã đã cưỡng chế tháo dỡ 112 lò gạch thủ công. Theo đó là hàng trăm xe vận tải của bà con phải tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm, người nông dân thực sự chống chếnh trong việc tìm kế sinh nhai mới. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian, đời sống nhân dân nhanh chóng ổn định trở lại, đội xe vận tải không hộ nào phải bán để giải nghệ mà tìm các việc khác, hơn 200 lao động trong xã tham gia làm công cho các hộ trồng dược liệu, thu trên 100.000 đồng/ngày công, bộ phận khác chuyển sang làm xây dựng…
Chuyện mới
Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim tâm sự, là xã thuần nông, có 3 thôn: Tây Xá, Hoàng Xá, Hoàng Kim, dân số gần 6.000 khẩu, diện tích trong đồng cấy hai vụ lúa rất ít, mỗi nhân khẩu hiện chưa có nổi 100m2, không có nghề phụ, hơn 600ha đất bãi bao đời là kế sinh nhai chính, đã gắn bó máu thịt với nhân dân. Gần hai năm, từ khi các lò gạch bị cưỡng chế, hơn 100ha đất bãi bị bỏ hoang. Cuối tháng 9 này, mặc dù ngân sách xã còn rất khó khăn nhưng đã trích từ 600 đến 700 triệu đồng để san ủi lại mặt bằng, đầu tư làm mương, đường giao thông nội đồng… cải tạo đất để tháng 10, 11 này kịp giao lại cho dân sản xuất.
Trong tiếng gió mạnh do ảnh hưởng của cơn bão số 5, tiếng ồn ào của máy xúc, máy ủi, anh Nguyễn Văn Hải, thôn Hoàng Xá cho hay, chỉ ít ngày nữa gia đình anh sẽ nhận lại 5 sào đất bãi. Gia đình anh dự tính sẽ trồng chuối tiêu hồng, vừa nhàn mà giá trị thu nhập lại cao, thu 2-3 triệu đồng/sào/vụ không khó. Trong đợt nhận lại ruộng sắp tới, hơn 1.000 hộ dân Hoàng Kim nhà nào nhiều được tới 5-6 sào, ít cũng được trên 1 sào. Mỗi người một dự định nhưng niềm vui đều hiện rõ trên khuôn mặt những người nông dân nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Khắc Hòa cho biết, xã có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế như lực lượng lao động dồi dào, mặt bằng dân trí cao; có vùng bãi bồi phù sa màu mỡ, thích hợp với việc trồng các loại rau màu chất lượng cao, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận. Hiện HTX đang kết hợp với bà con xã viên lên phương án sử dụng vùng đất bãi sao cho hiệu quả, trước mắt sẽ trồng cây dược liệu, chuối tiêu hồng, đỗ tương… Về lâu dài, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã sẽ quy hoạch đây là vùng sản xuất nông sản sạch, gắn với các loại hình dịch vụ khác. Hy vọng, với những đổi thay mạnh mẽ, xã Hoàng Kim sẽ sớm tìm được hướng phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Xứng đáng với tên làng, xã giàu đẹp - hưng thịnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.