(HNM) - Trước đây, khúc sông Tô Lịch chảy qua xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, bờ sông bị lấn chiếm, đổ phế thải, thậm chí xây dựng công trình kiên cố trái phép, gây tắc nghẽn dòng chảy.
Người dân bên bờ sông Tô Lịch (đoạn qua xã Vĩnh Quỳnh) tự nguyện tháo dỡ công trình lấn chiếm, trả lại đất công. |
Huy động sức dân
Chia sẻ hành trình biến khúc sông "chết" trên địa bàn thành dòng chảy thông suốt, sạch đẹp, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng cho hay: Sông Tô Lịch chảy qua 2 thôn Quỳnh Đô và Ích Vịnh dài gần 1,6km, có 186 hộ dân và 2 tổ chức có công trình nằm dọc hai bên bờ sông. Trước đây, khúc sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng, bờ sông bị lấn chiếm rất khó xử lý khiến chính quyền và nhân dân địa phương bức xúc. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Vĩnh Quỳnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, cải tạo sông Tô Lịch qua địa bàn xã. UBND xã đã thành lập tổ công tác, rà soát, lập biên bản hiện trạng sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất dọc sông Tô Lịch để lên kế hoạch chi tiết cải tạo sông.
Quá trình triển khai, xã Vĩnh Quỳnh đã vận động người dân vào cuộc. Chủ trương đúng, hợp lòng dân nên công việc triển khai khá thuận lợi. Tháng 8-2016, xã Vĩnh Quỳnh tiến hành thống kê hiện trạng các hộ dân đang sử dụng đất lấn chiếm bờ sông, rà soát, thông báo cho các gia đình biết; đồng thời, tổ chức họp bàn công khai, dân chủ, tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương cải tạo dòng sông. Cũng trong thời gian này, cơ quan chuyên môn đã xác định mốc giới, vẽ sơ đồ, diện tích công trình lấn chiếm ven sông trước sự chứng kiến của các hộ gia đình sử dụng đất. Sau một thời gian ngắn, đã có 28 căn nhà kiên cố và hàng chục căn nhà cấp 4 được tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất đai. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, nên trong quá trình triển khai, UBND xã không phải cưỡng chế và không hộ dân nào đòi hỏi đền bù sau khi thu hồi đất.
Vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quỳnh Đô Đỗ Văn Nghĩa cho hay: "Bao năm qua, người dân rất khổ bởi dòng sông ô nhiễm, cộng với ảnh hưởng của Nghĩa trang Văn Điển và chất thải từ các công ty, doanh nghiệp gần đó"... Chính vì vậy, khi có chủ trương cải tạo dòng sông, nhân dân hồ hởi, đồng thuận cao. Đa số các gia đình tự nguyện tháo dỡ công trình, thu hoạch hoa màu để trả lại diện tích lấn chiếm để địa phương làm đường gom, trồng hoa, cây xanh. Gia đình nào khó khăn về nhân lực, người dân và chính quyền địa phương hỗ trợ tháo dỡ công trình vi phạm.
Đến nay, toàn bộ khúc sông chảy qua địa bàn xã Vĩnh Quỳnh đã được nạo vét sạch sẽ, khơi thông dòng chảy, góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước. Nhân dân hai bên bờ sông trước đây lấn chiếm đất công, nay tự nguyện trả lại để làm đường gom dài hơn 2km; hai bên đường được trồng hoa và cây xanh. Nhờ đó, môi trường xã Vĩnh Quỳnh ngày một đẹp hơn, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao...
Cụ Trần Xuân Đỉnh, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Quỳnh Đô cho biết: "Có thêm đường gom ven sông, trục đường chính của làng được thông thoáng hơn, không còn tình trạng quá tải mỗi giờ cao điểm. Các cụ già có lối đi dạo mỗi sớm chiều, ai cũng vui. Bà con có thêm trách nhiệm giữ gìn môi trường, chăm sóc cây xanh... bảo vệ thành quả đã chung sức cùng chính quyền cải tạo cảnh quan môi trường".
Để chống tái lấn chiếm, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường, xã Vĩnh Quỳnh tiếp tục vận động nhân dân thực hiện “ba không” (không vứt rác ra sông, không bắt tôm cá trên sông, không dựng lều quán trái phép để bán hàng). Với mục đích chung đó, người dân nơi đây đã cùng nhau tự giác thực hiện, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Quỳnh ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.