(HNM) - Tình trạng bạo lực ở học sinh nữ hiện đang có xu hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống đạo đức tốt đẹp, lối sống văn hóa, nhân hậu của người Việt.
Một buổi tối, bé N.K.L (14 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) đi học về với mặt sưng húp, áo quần tơi tả, kính vỡ. Theo lời bé và những đứa trẻ cùng lớp: Chỉ vì cái áo khoác đồng phục của L. rơi xuống đất, bị bạn dẫm lên trêu tức, cô bé bắt bạn phải giũ sạch và xin lỗi. Lời qua tiếng lại, hai đứa trẻ lao vào đánh nhau. Bênh bạn, 5-6 học sinh cả nam cả nữ lao vào đánh hội đồng L.
Học sinh cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường trong học tập cũng như đời sống hằng ngày. Ảnh: Nhật Nam
Xót con, bố L. đến trường, đến nhà những đứa trẻ đánh con mình hỏi cho ra lẽ. Vụ việc um xùm, nhà trường quyết định kỷ luật tất cả số học sinh tham gia đánh nhau, hạ hạnh kiểm xuống trung bình. Những ngày tiếp theo, bé L. và các bạn đều không yên tâm học tập, không khí trong lớp học căng thẳng. Dù vậy, bé L. và các bạn mới bị xáo động tâm lý ở phạm vi nhỏ, chưa đến mức gây thù hằn. Với các bé gái bị bạn đánh hội đồng, lột áo, cắt tóc, quay video clip đưa lên mạng, tổn thương lớn hơn, sâu đậm hơn, nhiều cháu không thể tiếp tục đến trường vì sợ hãi, xấu hổ, thù hận...
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ CA), từ năm 2009 đến 2011, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Cũng theo báo cáo này, phần lớn học sinh bị kỷ luật vì đánh nhau, nếu không được uốn nắn kịp thời, lớn lên rất dễ đi vào con đường phạm tội. Qua khảo sát số học sinh bị kỷ luật vì đánh nhau, các nhà nghiên cứu cho biết: Hầu hết đều mắc tật xấu như ích kỷ, đố kỵ hẹp hòi, nói dối, chơi trội, thiếu tính tự chủ, học lực yếu… Điều này có nguyên nhân từ những khó khăn gặp phải của lứa tuổi vị thành niên. Trong giai đoạn phải đối mặt với những thay đổi về tâm sinh lý, áp lực học tập, trẻ vị thành niên rất cần sự chỉ bảo của người thân, nhất là người mẹ. Với các cháu không đủ kiến thức, kỹ năng đối đầu với thử thách, giải quyết xung đột, cách tìm giải pháp vượt qua khó khăn, ra quyết định… hành vi lệch chuẩn rất dễ xảy ra.
Để đối phó với hiện tượng lệch chuẩn đạo đức này, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều giải pháp tích cực phòng chống từ trong gia đình, chú trọng xây dựng, giáo dục đạo đức người phụ nữ để làm gương cho con, nhất là con gái. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên cho biết: Tại hàng trăm CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Quản lý thanh, thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật" trên toàn quốc, các hội viên được chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện bản thân để làm gương cho con, chia sẻ tình cảm với con, nâng cao văn hóa, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Công tác giáo dục hội viên theo 4 tiêu chí "Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu" được đẩy mạnh ở các cấp hội. Tại các tỉnh, TP, hình thức CLB nâng cao kiến thức về pháp luật, tâm lý trẻ vị thành niên, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em các lứa tuổi được mở rộng, giúp các bà mẹ biết cách hướng dẫn con ứng phó với khó khăn của lứa tuổi. Tại Hà Nội, các mô hình sinh hoạt "Mẹ và con gái", "Tuổi hồng", "Bạn gái"… đã mở ra một hướng mới, giúp các mẹ và con nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp tâm lý lứa tuổi, giới tính, đề cao lòng nhân hậu, vị tha. Từ đó, trẻ vị thành niên, nhất là trẻ gái biết cách vượt qua khó khăn, căng thẳng trong học tập, cuộc sống, xử lý đúng trong quan hệ bạn bè, xã hội. Ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, kết quả thấy rõ ở tỷ lệ học sinh có thành tích học tập cao hơn hẳn, trẻ ngoan và có ý thức, sống tự tin hơn khi được sinh hoạt ở mô hình này.
Phó Chủ tịch Hoàng Thị Ái Nhiên khẳng định: Với trách nhiệm của hội, công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm và bạo lực học đường đang được đẩy mạnh, chú trọng tính hiệu quả và đổi mới. Từ công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, chị em đã chú trọng nâng cao văn hóa, trách nhiệm, ý thức tự hoàn thiện nhân cách bản thân của các thành viên trong gia đình. Điều này đã góp phần giúp trẻ vị thành niên có cuộc sống hài hòa, tâm thế ổn định, có khả năng ứng xử đúng đắn hơn trong các mối quan hệ xã hội và phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.