(HNM) - Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề “Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin” đang diễn ra với trọng tâm là định hướng giải pháp cho các thách thức và thúc đẩy hành động phối hợp trên toàn cầu. Trong đó, những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là ứng phó với đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, chống biến đổi khí hậu cũng chính là nội dung chủ đạo của các cuộc thảo luận.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm thứ hai liên tiếp, WEF đã không thể tổ chức hội nghị trực tiếp. Theo Tân Hoa xã, tháng trước, WEF thông báo rằng trước những lo ngại tiếp diễn từ biến chủng Omicron, Diễn đàn này sẽ hoãn cuộc họp thường niên được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ. Thay vào đó, các đại biểu sẽ tham gia chương trình nghị sự Davos 2022 trực tuyến từ ngày 17 đến 21-1, quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu để tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất trên thế giới.
Theo WEF, chương trình nghị sự Davos 2022 tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo phản ánh về “Tình trạng của thế giới”. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab chia sẻ: “Mọi người đều hy vọng rằng vào năm 2022, đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng đi kèm với nó cuối cùng sẽ bắt đầu lắng xuống. Song những thách thức toàn cầu lớn đang chờ đợi chúng ta... Để giải quyết chúng, các nhà lãnh đạo sẽ cần áp dụng các mô hình mới, tầm nhìn lâu dài, đổi mới hợp tác và hành động một cách có hệ thống”. Trong khi đó, trang Arab News đánh giá, hội nghị được coi là cơ hội toàn cầu đầu tiên để các bên thiết lập chương trình nghị sự cho sự phục hồi bền vững của thế giới sau đại dịch.
Các cuộc thảo luận tại WEF ảnh hưởng đến khu vực công cũng như quá trình đưa ra quyết định của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu như giải quyết tình trạng đói nghèo, thách thức xã hội, biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo WEF, các phiên chính của sự kiện bao gồm các vấn đề như đại dịch, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững và triển vọng kinh tế toàn cầu. Các đại biểu cũng chia sẻ quan điểm về biến đổi khí hậu, cam kết xã hội và công bằng vắc xin. Bên cạnh đó, chương trình nghị sự Davos 2022 cũng chứng kiến sự khởi động các sáng kiến của WEF về thúc đẩy sứ mệnh giảm phát thải ròng, về cơ hội cho các giải pháp tích cực với thiên nhiên và về không gian mạng.
Phát biểu từ New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, sự kiện năm nay bị phủ bóng bởi một giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các nền kinh tế, con người và hành tinh. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới đang trỗi dậy từ vực sâu của một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh và không đồng đều. Với những thách thức dai dẳng của thị trường lao động, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và bẫy nợ rình rập, sự phục hồi hiện đang chậm lại đáng kể. Quan chức Liên hợp quốc đã kêu gọi Diễn đàn tập trung vào ba lĩnh vực cấp bách: Đương đầu với đại dịch bằng sự bình đẳng và công bằng; cải cách hệ thống tài chính toàn cầu; hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres, hai năm qua đã chứng minh một sự thật đơn giản - bỏ lại bất kỳ ai cũng đồng nghĩa với việc bỏ lại tất cả mọi người. Sát cánh cùng nhau để biến năm 2022 thực sự trở thành thời khắc của sự phục hồi là điều mà cộng đồng quốc tế cần hướng tới trong tất cả các chính sách, hành động và mục tiêu được đề ra, để có thể mang lại những mảng màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế nói riêng và đời sống toàn cầu nói chung sau khoảng thời gian u ám mà đại dịch mang lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.