Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới: Khởi đầu nhiều thay đổi chính sách

Thùy Dương 26/06/2023 - 07:14

Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới kết thúc cuối tuần qua tại Paris (Pháp) với cam kết hướng đến giảm gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển. Với sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế, cùng đông đảo đại diện khu vực tư nhân, doanh nghiệp, sự kiện này có thể là sự khởi đầu cho những thay đổi chính sách tài chính quốc tế. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự hội nghị.

hiep-uoc-tai-chinh.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc của Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, tại Paris (Pháp).

Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, xung đột và gia tăng bất bình đẳng cùng những tác động của đại dịch Covid-19. Hệ quả trước hết là nguồn chi ngân sách của các quốc gia kiệt quệ, nợ công tăng vọt...

Để có nguồn lực ứng phó với những thách thức trên và đầu tư cho tương lai, các quốc gia cần xây dựng một hiệp ước tài chính toàn cầu mới. Những vấn đề liên quan đến tính bền vững của nợ công, nhận thức về lỗ hổng và huy động tài chính tư nhân trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận tại hội nghị. Cộng đồng quốc tế đã chia sẻ một tầm nhìn chung nhằm cải tổ hệ thống tài chính đa phương, định ra phương thức mới để cùng tiến tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và chuyển dần sang nền kinh tế không carbon.

Với hơn 100 phiên thảo luận trong hai ngày (22 và 23-6) diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí một số nội dung quan trọng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, đổi mới mô hình ngân hàng phát triển đa phương, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Các nước phát triển đã đưa ra một số cam kết cụ thể về hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển như: Phân bổ 100 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các nước dễ bị tổn thương; huy động 100 tỷ USD chống biến đổi khí hậu... Hội nghị thông qua một số văn kiện kết quả quan trọng như: Đồng thuận Paris về con người và hành tinh, Tuyên bố về tầm nhìn của các ngân hàng phát triển đa phương, Bản tóm tắt kết quả hội nghị và lộ trình triển khai các cam kết...

Đáng chú ý, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho biết, thể chế tài chính trên sẽ đưa ra cơ chế "ngừng" nghĩa vụ trả nợ đối với những nước chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tạo điều kiện cho các nước "tập trung xử lý những vấn đề quan trọng trước mắt" và "không phải lo lắng về việc hoàn trả nợ". Trong vai trò nước chủ nhà, Pháp cho rằng hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước đúc rút kinh nghiệm về cách thức xây dựng đồng thuận.

Mặc dù vậy, lãnh đạo các nước đều cảm nhận khó khăn trước mắt để có thể đạt được những kết quả cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang trì trệ do ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng liên tiếp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc mở ra không gian đối thoại cho các tác nhân chủ chốt đã được ghi nhận như một thành công đáng kể của hội nghị, như nhận định của đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry: “Hiện còn quá sớm để nói liệu hội nghị này có tạo ra những thay đổi chúng ta cần cho tài chính xanh hay không, nhưng rõ ràng nó đã tạo cơ hội cho một cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc và thực chất về những gì chúng ta cần làm cùng nhau”.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phát biểu tại phiên thảo luận về chủ đề “Huy động nguồn tài chính của khu vực tư nhân”, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đánh giá cao ý kiến, đề xuất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các đại biểu cho rằng, việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như những nỗ lực trong việc huy động nguồn tài chính từ cả khu vực công và tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với những thách thức toàn cầu và nỗ lực chung của các nước, tổ chức quốc tế trong việc giải quyết vấn đề về đói nghèo, biến đổi khí hậu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới: Khởi đầu nhiều thay đổi chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.