(HNM) - Với kỳ vọng đạt được tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 36 của Liên minh châu Phi (AU) vừa kết thúc tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) cuối tuần qua đã tuyên bố thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng và khởi động Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) đang bị đình trệ.
Hơn 30 tổng thống, thủ tướng cùng các lãnh đạo cấp cao của 55 quốc gia châu Phi đã tề tựu tại Addis Ababa để thảo luận về một loạt thách thức mà lục địa này phải đối mặt bao gồm đảo chính, xung đột và biến đổi khí hậu. Sự hội nhập của châu Phi, xây dựng lại châu Phi, bảo đảm hòa bình và an ninh lục địa, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vị thế của Lục địa đen trong các tổ chức quốc tế đa phương đã trở thành tâm điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh AU lần thứ 36.
Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nêu rõ: “Hội nghị Thượng đỉnh AU lần thứ 36 diễn ra vào thời điểm bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn đáng lo ngại. Do đó, các quốc gia thành viên phải quyết tâm trong các lựa chọn kinh tế và phát triển của mình. Theo quan điểm của tôi, phải kích hoạt các cơ chế khác nhau để phục hồi và đoàn kết, triển khai nhanh chóng các thể chế tài chính châu Phi”. Chủ tịch AU nhấn mạnh sự đoàn kết và liên kết của khối trong việc giải quyết các tác động của các thách thức toàn cầu và lục địa, đặc biệt là vai trò quan trọng của việc thúc đẩy Hiệp định AfCFTA.
Được đưa ra vào năm 2020, hiệp định này được coi là lớn nhất thế giới về dân số (1,4 tỷ người), quy tụ 54 trong số 55 quốc gia châu Phi (Eritrea là nước duy nhất không tham gia). Các quốc gia châu Phi hiện chỉ giao dịch khoảng 15% hàng hóa và dịch vụ với nhau và AfCFTA ra đời nhằm mục đích tăng tỷ lệ đó lên 60% vào năm 2034 bằng cách loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan. Nhưng việc thực hiện hiệp định đã không đạt được mục tiêu đó, khi gặp phải những rào cản như những bất đồng về cắt giảm thuế quan và đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, với chủ đề năm 2023 là "Tăng tốc thực thi Hiệp định Thương mại tự do châu Phi", các nhà lãnh đạo khu vực cam kết đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận thương mại đã đình trệ 3 năm nay.
Tuy nhiên, ông M.F.Mahamat cũng cảnh báo rằng, cơ sở hạ tầng của châu Phi vẫn còn thiếu, khi hiện có tới 600 triệu người không được sử dụng điện do biến đổi khí hậu hoành hành. Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý châu Phi đang phải đối mặt với một "hệ thống tài chính không công bằng", khiến nhiều quốc gia từ chối giảm nợ và tài trợ ưu đãi cho khu vực này.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh AU lần này. Đây được coi là một cơ hội vàng để châu Phi tái cấu trúc định hướng phát triển. Đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, các tổ chức xã hội dân sự (CSO) trên khắp lục địa này cho rằng, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai năng lượng tái tạo chưa bao giờ cấp thiết hơn lúc này.
Châu Phi đã rơi vào tình thế lựa chọn khó khăn trong những năm gần đây, với việc phát hiện ra các mỏ nhiên liệu hóa thạch liên quan đến dầu khí và than đá ở Kenya, Uganda… vào thời điểm thế giới đang tìm cách chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch và tái tạo. Mặc dù những nguồn tài nguyên này có thể thúc đẩy đáng kể sự phát triển kinh tế trước mắt, nhưng sẽ gây ra những rủi ro về môi trường và sức khỏe.
Hiệp định AfCFTA được đánh giá như một phương tiện để tạo ra các nguồn của cải và việc làm mới, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi. Cùng với quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo, đây là những cơ hội lớn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của châu Phi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.