(HNM) - Từ nội thành Hà Nội, đi xuôi đê sông Hồng độ 13km là đến đền Lộ. Đứng bên cột ranh giới giữa hai huyện Thanh Trì và Thường Tín, nhìn ra cánh đồng ven sông đã thấy thấp thoáng dưới vòm lá xanh tươi là các đầu đao của mái đền cổ kính. Án ngữ một vùng cửa sông, lại nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc bộ nên du khách về thăm đền Lộ bằng đường bộ, đường thủy đều thuận lợi.
Lộ là tên gọi tắt của làng Đại Lộ, trước năm 1945 thuộc tổng Ninh Sở, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Theo ngọc phả bốn vị thánh nương Nam Hải, đền Lộ thờ bà Thục Phi của vua Đỗ Tông nhà Tống. Bà họ Triệu, húy là Đoan. Khi Đế Bình lên ngôi, quân Nguyên từ phía Bắc tràn xuống, Thừa tướng Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt cùng vua và Thái hậu vượt biển chạy đến Nhai Sơn. Tướng nhà Nguyên là Hoằng Phạm đem quân đến đánh. Quân Tống tan vỡ, Trương Thế Kiệt bèn tìm đường chạy sang An Nam. Bấy giờ, thuyền qua biển gặp gió bão dữ dội. Trước đó, Thái hậu cùng ba công chúa cũng theo thuyền đi lánh nạn, khi nghe tin thuyền vua bị đắm, bà liền đấm ngực than rằng: “Ta liều chết lặn lội đến đây, nay lại gặp rủi ro này thật chẳng còn thiết sống nữa!”. Đoạn, bà quay về hướng Bắc bái vọng, than khóc một hồi rồi nhảy xuống sông tự tử. Hôm đó là ngày 12 tháng Sáu. Thi thể bà trôi theo dòng nước đến đất Hoan Châu (nay là tỉnh Hà Tĩnh), dân địa phương liền vớt lên bờ, thấy vẻ mặt bà vẫn tươi tắn như lúc còn sống. Chôn cất bà xong, chỉ trong chốc lát, mối đã đùn lên thành ngôi mộ lớn. Biết việc này sẽ ứng với điều lành, dân bèn lập đền thờ.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông cầm quân đi xuống phương Nam. Đang đêm, vua mộng thấy nữ thần đến trước mặt khóc lóc nói rằng: “Thiếp là Thục Phi của nhà Tống, bị sóng gió mà gặp nạn ở đây. Nay nhờ Thượng đế ngợi khen khí tiết, sắc phong cho thiếp làm Hải thần ở đây đã lâu. Chuyến đi này xin được giúp Thánh thượng lập công”.
Vua Anh Tông giật mình tỉnh giấc, bèn sai lập đàn tế. Quả nhiên trận ấy, nhờ nữ thần âm phù, quân ta thắng lớn. Lúc khải hoàn, vua tặng phong mỹ tự, sai quan Hữu ty lập đền thờ phụng.
Năm Hồng Đức nguyên niên (1470), vua Lê Thánh Tông cùng đại quân đi chinh phạt quân Chiêm, khi qua cửa Càn Hải, vua đến linh từ làm lễ. Nhà vua làm thơ, có câu:
Hương hỏa còn truyền đền thánh Mẫu,
Sóng xô thức tỉnh giấc Anh Tông.
Sau đó, quan quân tiến thẳng vào thành Đồ Bàn, chỉ một trận là phá tan quân giặc. Chiến thắng trở về, vua tôn bà là Quốc Mẫu Bà Vương, ban sắc cho các vùng cửa biển tùy nghi dựng đền thờ.
Đời sau, phàm những ai đi thuyền qua biển, gặp gió to sóng cả, nếu thành tâm cầu khấn bà thì đều được bình an.
Bà là phúc thần tối linh ở vùng Nam Hải, các triều đều phong sắc, được ghi trong điển lễ thờ cúng. Đền Hải Môn (Nghệ An), đền Thần Phù, Biện Nam (Thanh Hóa), Quần Anh, Ninh Cường (Nam Định) là những đền linh thiêng nhất vùng ven biển.
Lại nói ở làng Lộ, vào cuối đời Trần, khi nước sông lên to, người làng thấy có bốn cái nồi úp dưới bốn cái nón trôi dạt vào bờ sông làng Đại Lộ, khiến dân thôn không được yên ổn. Giữa lúc đó, có vị thần báo mộng, phải lập ngay đền thờ, thì mới được yên. Thế là đền Lộ được dựng ngay trên khu đất Đỉnh Nhĩ.
Đền luôn được các thiện nam tín nữ góp tiền trùng tu vào năm Thành Thái 14 (1902), Khải Định thứ 10 (1925) và Bảo Đại thứ 12 (1937). Trong lần trùng tu năm 1937, kiến trúc sư Vũ Đức Diên ở Hà Nội thiết kế phương đình. Tri huyện Thanh Trì Phạm Học Hải, trợ tá Tô Văn Độ thường đến xem xét, kiểm tra quy cách cùng các công việc tu sửa và soạn các câu đối ở đền. Trong số các thanh đồng cúng tiền có hiệu Lợi Thái phố Hàng Bạc cúng 130 đồng, Hàn lâm viện Thị độc Lê Toại ở xã Tương Mai cúng 30 đồng, bà huyện Nghi ở xã Văn Điển cúng 20 đồng… Đền Lộ quy mô to lớn, kiến trúc cổ kính và đẹp. Miêu tả cảnh sắc nơi đây, văn bia đền Lộ viết: “Đằng sau có sông Kim Ngưu nhiễu quanh, đằng trước có sông Nhị Hà làm án, bên phải có bãi hình như con phượng chầu, bên trái có đống hình như con voi phục…”. Kiến trúc của đền nguy nga gồm 10 điện liên tiếp và một tòa phương đình hai tầng tám mái. Cổng đền xây bốn cột hai cửa mã, ở tầng ngoài dựng hai nhà bia ghi công đức những người làm vườn hoa, lát sân ngõ bằng gạch Bát Tràng. Lại trồng 102 cây nhãn ở vườn đền.
Đền Lộ xưa nay nổi tiếng linh ứng. Người làng kể, vào đời Trần, đời Lê, đoạn đê ở gần đền bị vỡ, các quan trên về cùng dân hàn khẩu mãi không được, sau phải vào đền làm lễ cầu đảo thì được ngay. Bấy giờ, các trấn tâu về bộ Lễ xin vị thần được dự quốc tế. Vua chuẩn cho, lại ban cho đền 4 chiếc bình sứ vẽ độc long, cùng một chiếc khác vẽ lưỡng long triều nguyệt.
Hội Lộ hằng năm diễn ra từ mồng 1 đến mồng 10 tháng hai âm lịch nhưng đông vui nhất là vào các ngày mồng 5, mồng 6, mồng 7 vì đó là ngày Thánh đản. Ngày mồng 5 có lễ rước cấp thủy, lấy nước từ sông Hồng về đền để bao sái tượng và đồ thờ. Các ngày lễ thường cúng bằng trầu rượu, có khi bằng oản chuối, chè đậu kho. Tế lễ xong, những đồ lễ được đem phân phát tất cả cho dân làng để toàn dân được hưởng lộc Thánh Mẫu.
Ngày 12-6-1993, nhân kỷ niệm ngày mất của Tứ vị Thánh nương, chúng tôi về tìm hiểu sự tích các vị nữ thần đền Lộ. PGS Trần Lâm Biền cho biết: “Ở vùng ven biển và bên các con sông lớn, người dân thường thờ Càn Hải đại vương, vị thần phù trợ cho người dân biển. Ở đền Lộ, Càn Hải đại vương được hội nhập với Tứ vị Thánh nương nhà Tống và được dân dã hóa. Sau khi chiêm ngưỡng các tượng mẫu được tạo tác khá đẹp, khiến tâm linh người hành hương còn nghĩ tới Tứ vị Thánh Mẫu là lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra thế giới này, một tôn giáo bản địa được hình thành và phát triển từ khi người Việt biết trồng lúa nước. Các ý tưởng của người xưa đã được thể hiện sinh động trong kiến trúc và nghệ thuật trang trí của đền. Ở hai đỉnh cột trụ khá lớn trước đền là hai con rồng đang cuốn. Rồng cuốn tạo ra mưa. Hai cột bên đắp hai con lân, biểu hiện trí tuệ và sức mạnh tầng trên. Các mảng chạm gỗ ở tòa phương đình cũng thể hiện ước cầu hạnh phúc của người xưa: hình 5 con dơi tượng trưng cho ngũ phúc là phú, quý, thọ, khang, ninh. Đó đây có hình các tia chớp. Chớp gọi mây mưa tạo nguồn nước…
Hằng năm, cứ vào đầu tháng hai âm lịch, người khắp nơi lại về hội Lộ. Vào mùa xuân năm nay, khách về hội Lộ có thể đi bằng xe buýt hoặc tàu thủy để được dừng chân ngắm cảnh đền. Khách tới vãng cảnh đền Lộ, có thể tìm thấy ở nơi đây nhiều ý nghĩa thâm sâu về đức tính cao đẹp của ông cha ngày trước. Đó là lòng nhân đạo và tính độ lượng bao la. Khi thấy người hoạn nạn đã giang rộng vòng tay cứu giúp, không phân biệt cương giới. Và một khi, những người đó đã sống gắn bó, có công với đất nước này thì đều được thờ phụng xứng đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.