(HNM) - Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đẩy mạnh nhiều hoạt động, phong trào nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Qua đó, giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm của tình trạng mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và sức khỏe cho gia đình, cộng đồng.
Nhiều mô hình hay, ý nghĩa
Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức các đợt truyền thông sâu rộng về công tác an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đến cán bộ, hội viên phụ nữ, những người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức được 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho trên 1.800 cán bộ hội phụ nữ các cấp, đồng thời tổ chức hơn 200 buổi truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm.
Để hoạt động tuyên truyền đến người dân được sâu rộng và lan tỏa, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội còn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức hội thi “Tìm hiểu kiến thức an toàn thực phẩm” gắn với tổ chức “Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn” do hội viên phụ nữ của thành phố sản xuất, chế biến. Thông qua hoạt động của hội thi, hội chợ đã thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp nữ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, đây là hình thức tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm gắn với trải nghiệm thực tế cho hàng nghìn hội viên phụ nữ và nhân dân đến tham dự, đồng thời khuyến khích sự phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, được các cấp ủy Đảng và chính quyền cũng như các ban, ngành của thành phố ghi nhận và đánh giá cao.
Cùng với công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, theo bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, hội còn triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hoạt động này được hội phụ nữ các huyện đa dạng hóa dưới nhiều hình thức như: Vận động hội viên định kỳ tổ chức ra quân thu gom rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh đồng ruộng, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng quy trình... Hoạt động này đã góp phần giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn từ khâu nuôi trồng, sản xuất.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thiên Hương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và người dân về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể địa phương có thời điểm chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” chưa nhiều, chưa gắn kết thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa thực sự tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Vận động hội viên tăng cường giám sát an toàn thực phẩm
Trong thời gian tới, để chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt được kết quả tốt hơn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội phụ nữ chủ động, tích cực tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tới đông đảo cán bộ hội viên nội dung cơ bản của các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Mặt khác, phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các biện pháp thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức mới về an toàn thực phẩm để các hội viên kịp thời cập nhật thông tin và chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong sản xuất, chế biến, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm hiện có.
Bà Lê Thị Thiên Hương thông tin, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời vận động cán bộ, hội viên tham gia giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng về các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ đó, các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các vi phạm và biểu dương, khen thưởng gương cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.