Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội khỏe Phù Đổng 2016: Những sắc màu thú vị

Thùy An| 09/08/2016 07:48

(HNM) - Một trong những điều đặc biệt nhất của Vòng chung kết (VCK) Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016 có lẽ là sự xuất hiện của các bậc phụ huynh. Họ tạm gác công việc riêng để đi cổ vũ, động viên, chăm sóc con mình và... cả VĐV khác. Chính sự có mặt của họ đã góp phần tạo nên những màu sắc thú vị của Hội khỏe.

Không ít phụ huynh có mặt cùng các VĐV Taekwondo Hà Nội tại VCK Hội khỏe Phù Đổng 2016. Ảnh: Thùy An


Trong những ngày thi đấu của VCK Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016 ở Nghệ An, địa điểm thi đấu cờ vua luôn thu hút nhiều phụ huynh và người thân của VĐV hơn cả. Môn thi này có nhiều VĐV tham dự nhất trong số 15 môn thi với 884 VĐV tham dự, trong đó, hơn 2/3 thuộc lứa tuổi THCS và nhỏ hơn. Các con còn nhỏ nên nhiều phụ huynh phải bỏ công bỏ việc cả chục ngày, cất công đi theo để hỗ trợ con cũng như đoàn VĐV. Đội tuyển Cờ vua Hà Nội cũng có một nhóm phụ huynh đi cùng.

Anh Trần Đăng Chung, phụ huynh của hai kỳ thủ Trần Đăng Minh Quang (thi đấu ở lứa tuổi U11) và Trần Đăng Minh Đức (U9), kể rằng, công việc cả nhóm phụ huynh không chỉ là hỗ trợ hậu cần, chăm lo ăn uống tại địa điểm thi đấu cũng như nơi ở cho con mình, mà còn giúp các VĐV khác để giảm tải cho các HLV. Đội tuyển có đến gần một nửa là VĐV lứa tuổi tiểu học, nhiều phụ huynh không có điều kiện song hành cùng con nên các phụ huynh khác phải nhận trách nhiệm. Vào cuối giờ sáng ngày thi đấu thứ hai của môn cờ vua, kỳ thủ Ngô Đức Trí (12 tuổi, Hà Nội) bị sốt phát ban, phải vào bệnh viện để xét nghiệm và điều trị. Bố mẹ của Ngô Đức Trí không có mặt tại Nghệ An nên anh Trần Đăng Chung đảm nhiệm phần việc đưa Ngô Đức Trí vào bệnh viện.

Lúc đó, cả hai con anh Chung đang đánh ván cuối – ván đấu quyết định đến tấm huy chương chung cuộc. Bản thân anh Chung cũng “sốt” vì chưa biết thành tích của con đến đâu. Tuy vậy, anh Chung vẫn sốt sắng đưa Ngô Đức Trí vào bệnh viện và chỉ kịp nói với lại với các phụ huynh khác rằng: “Nhờ các anh lo hộ cho các con em để em đưa cháu Trí đi viện”. Hôm đó, anh Chung đã ở lại bệnh viện đến tận tối mịt, lo mọi vấn đề cho Ngô Đức Trí, cho đến khi người thân của kỳ thủ này vào đến Vinh. Trưởng đoàn cờ vua Hà Nội Đặng Vũ Dũng nói rằng, nếu không có nhóm phụ huynh đi hỗ trợ các VĐV nhí thì các thầy rất dễ quá tải vì người ít, việc lại nhiều, nhất là lại phải chăm những VĐV nhỏ tuổi, hiếu động.

Đội tuyển Taekwondo Hà Nội cũng không thể thiếu phụ huynh của VĐV. Không như cờ vua, môn taekwondo chỉ có các nội dung dành cho lứa tuổi THCS và THPT nên phụ huynh không phải sắm vai “con mọn” mà chỉ tiếp "lửa", hỗ trợ tinh thần cho các con. Tại Hội khoẻ, võ sĩ Dương Thanh Tuyền của đội Hà Nội không chỉ được bố mẹ mà cả hai bác vào “tiếp lửa”. Cả 4 người đi taxi từ Hoàng Mai vào thẳng Vinh, thuê khách sạn gần chỗ ở của đội Taekwondo Hà Nội. Anh Dương Văn Linh, bố của Dương Thanh Tuyền kể: Không cần biết thành tích của con thế nào nhưng cả gia đình và các bác cùng rủ nhau vào Vinh để cổ vũ, động viên con cháu. Dương Thanh Tuyền bị thua từ vòng ngoài vì thiếu kinh nghiệm, nhưng chính sự động viên, vỗ về, an ủi của bố mẹ và các bác khiến võ sĩ này sớm nguôi ngoai nỗi buồn thua trận.

Anh Trịnh Văn Tám có hai con ở trong Đội tuyển Taekwondo Hà Nội là Trịnh Thanh Lam và Trịnh Đoàn Ngọc Hải. Các con anh được tiếng đam mê tập luyện trong suốt quá trình tập huấn chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng 2016. Nhà ở Mê Linh nhưng cứ đến buổi chiều là hai chị em lại bắt xe bus đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Mỹ Đình). Còn anh Tám cũng được nhiều phụ huynh và các thầy ở đội tuyển taekwondo học sinh Hà Nội biết đến vì sự sát sao, ủng hộ hết mình với việc tập luyện taekwondo của con. Đến Hội khỏe, anh Trịnh Văn Tám cũng đi theo con, việc buôn bán ở nhà đành nhờ vợ lo liệu. Tại địa điểm thi đấu của môn taekwondo, anh Tám luôn gây ấn tượng bởi sự nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỗ trợ các HLV và VĐV khác.

Ở nhiều môn đấu khác tại Hội khỏe, bóng dáng phụ huynh luôn xuất hiện trên khán đài. Có người đến với Hội khỏe nhờ có điều kiện kinh tế, nhưng cũng có người phải "bán lúa non" để có tiền đi hỗ trợ con. Cũng vì vậy mà Hội khỏe Phù Đổng đem đến cho chúng ta những câu chuyện cảm động chứ không chỉ là thành tích, những tấm huy chương như nhiều người thường nghĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội khỏe Phù Đổng 2016: Những sắc màu thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.