(HNM) - Ai mới đặt chân đến xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), hẳn không nghĩ đây là một xã ở vùng ngoại thành bởi sự hối hả, sầm uất nơi “phố nghề” của Thủ đô. Khẩn trương, náo nhiệt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra từ sáng sớm đến tối muộn ở mọi cung đường trong thôn, ngoài xã. Từ những “phố nghề”, làng quê Hữu Bằng đã “thay da, đổi thịt”, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Tuy vậy, vẫn còn đó những nỗi niềm, trăn trở về đất nghề...
Thanh âm làng nghề
Từ lâu, xã Hữu Bằng nổi tiếng cả nước vì có nghề sản xuất đồ mộc dân dụng và nghề dệt truyền thống, đem lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây, nghề dệt ngày càng mai một, số hộ và lao động làm nghề giảm dần, trong khi đó nghề mộc lại không ngừng phát triển. Nhạy bén nắm bắt thị trường, sản phẩm mộc ngày càng đa dạng, phong phú. Từ góc nhỏ trong mỗi gia đình, đến nếp văn minh, hiện đại nơi công sở, trường học, bệnh viện..., đâu đâu cũng có thể bắt gặp những sản phẩm của làng nghề Hữu Bằng. Từ phân khúc bình dân đến dòng sản phẩm cao cấp, hễ khách hàng có nhu cầu, các tay thợ lành nghề đều có thể đáp ứng tối đa...
Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường hãnh diện chia sẻ, Hữu Bằng có nhiều cái “nhất” của huyện Thạch Thất. Đó là: Xã có diện tích nhỏ nhất, chỉ vỏn vẹn 180,43ha; xã có số dân đông nhất với xấp xỉ 5.000 hộ, trên 19.000 nhân khẩu (chưa kể có hàng nghìn lao động đến xã làm nghề mộc mỗi ngày)... Hiếm có xã nào của Thạch Thất mà giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,18%, trong khi giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm tới 99,82% (số liệu thống kê tháng 12-2022).
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Nguyễn Hữu Trường đã đưa phóng viên Báo Hànộimới tham quan một vòng quanh các trục đường chính của xã, như: Trục đường liên xã từ xã Phùng Xá, qua Hữu Bằng (trên 1km) sang Dị Nậu; trục đường Cống Đặng; trục đường Cổng Giếng và một số tuyến ngõ, xóm của các thôn Giếng, Sen, Miễu… Nơi đâu cũng vang tiếng cưa máy, tiếng đục đẽo, tiếng máy bắt vít… cùng tiếng trao đổi, cười nói với khách hàng. Với khách đến làng nghề, có thể đó là những tiếng ồn “inh tai”, nhưng với người dân nơi đây, đó là “bản hòa tấu” náo nhiệt, là thanh âm của cuộc sống. Chỉ chừng ấy thôi, khách đến làng nghề cũng cảm nhận thêm được sự yêu lao động, trân quý công việc của những người thợ nghề nơi đây.
Xã Hữu Bằng có 9 thôn thì hiện cả 9 thôn đều sản xuất và kinh doanh nghề mộc. Cùng với sự phát triển của nghề truyền thống, từ chỗ Hữu Bằng chủ yếu sản xuất các đồ mộc thiết yếu, như: Giường, tủ, bàn, ghế… đến nay, nắm bắt được xu hướng phát triển nhà chung cư, đi kèm xu hướng sử dụng nội thất đơn giản và hiện đại, người làng nghề đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ và thức thời hơn. Thay vì gỗ tự nhiên, nay nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ công nghiệp. Các sản phẩm theo đó cũng có giá thành rẻ hơn, đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng.
Không chỉ sản xuất đồ mộc dân dụng, những năm gần đây, Hữu Bằng cũng đã hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất trong chính làng nghề. Tại xã đã xuất hiện các đơn vị từ cung ứng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất đồ mộc, đến công đoạn sản xuất và phân phối sản phẩm… Các cơ sở sản xuất, hộ dân tham gia làm nghề với vai trò chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các hộ chia thành nhóm và đảm nhận các công đoạn khác nhau, cùng thúc đẩy nghề mộc phát triển theo hướng chuyên sâu và chuyên nghiệp.
Theo thời cuộc, nhiều lao động trẻ ở Hữu Bằng ngày càng nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của làng nghề không chỉ bán tại xưởng hay đổ cho các mối buôn trong vùng, nhiều người đã chủ động tìm đầu ra, nhận các công trình hay mở cửa hàng ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Thị trường tiêu thụ đồ gỗ của Hữu Bằng gần như 100% là nội địa.
Còn đó những trăn trở
Trong khi không ít làng nghề ngày càng mai một, nghề mộc của xã Hữu Bằng đã giúp người dân nơi đây làm giàu. Tính đến cuối năm 2022, bình quân thu nhập đạt khoảng 80 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2017 - thời điểm Hữu Bằng được công nhận xã nông thôn mới. Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều mang tính hai mặt. Bởi vì đất chật, người đông, không có cụm công nghiệp, trong khi nghề lại phát triển nhanh, mạnh nên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu hết đều diễn ra ngay tại mảnh đất của mỗi gia đình. Trong cùng một khuôn viên, vừa ở, vừa sản xuất nên không tránh khỏi ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ luôn rình rập… Nỗi trăn trở này có lẽ không là của riêng người dân Hữu Bằng.
Phó Trưởng thôn Miễu Nguyễn Đình Chính bộc bạch, thôn Miễu có hơn 600 hộ cơ bản đều làm nghề mộc. Do diện tích đất hạn hẹp nên hầu hết các hộ đều sản xuất tại gia đình. “Gia đình tôi có 3 người con đều theo nghề truyền thống địa phương và đều phải tận dụng đất ở để sản xuất. Biết là chật hẹp, môi trường sống ô nhiễm, nhưng không còn lựa chọn nào khác, đành sống chung”, ông Nguyễn Đình Chính chia sẻ.
Cũng vì thiếu đất sản xuất nên nhiều người con quê hương Hữu Bằng phải sang các xã Bình Phú, Chàng Sơn, Phùng Xá, Thạch Xá… để thuê đất lập nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nổi lên trong số này là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Long Hưng, Công ty TNHH một thành viên Tân Thành Long, Công ty TNHH Gỗ Linh…
Ở góc độ doanh nghiệp, quản lý Công ty TNHH một thành viên Tân Thành Long Nguyễn Thị Vân trăn trở: “Công ty tôi đang thuê gần 1ha tại Cụm công nghiệp Thạch Xá để sản xuất, kinh doanh các loại ván gỗ. Nhu cầu sử dụng mặt bằng lớn, song từ lâu Hữu Bằng đã như một “tấm áo chật”, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô nên gia đình tôi phải thuê đất ở địa phương khác. “Là người con Hữu Bằng, tôi mong muốn địa phương sớm được xây dựng cụm công nghiệp, để người dân có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Vân kiến nghị.
Không chỉ canh cánh nỗi lo thiếu đất sản xuất, chủ các cơ sở sản xuất ở Hữu Bằng còn đối diện với hàng loạt nỗi lo khác. Đó là đường giao thông chật hẹp, xuống cấp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi; hệ thống thoát nước hầu như chưa hoàn thiện, gây ngập úng dài ngày mỗi khi mưa to... Đại diện cơ sở sản xuất đồ mộc nội thất Lợi Nga (thôn Miễu) trăn trở: “Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của làng nghề sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, làng nghề cũng có cơ hội nâng tầm thương hiệu nếu cơ sở hạ tầng của Hữu Bằng được đầu tư đồng bộ. Chúng tôi mong ngày đó không quá xa…”.
“Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân địa phương luôn năng động, nhạy bén trong phát triển nghề truyền thống quê hương, đóng góp đáng kể cho ngân sách huyện, xây dựng Hữu Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mong rằng, các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa để Hữu Bằng sớm triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch, giúp người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, đưa làng nghề ngày càng phát triển”, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường mong mỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.