Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á: Hướng đến hợp tác thiết thực

Minh Quang| 08/09/2018 06:15

(HNM) - Trong hai ngày 6 và 7-9, tại Hà Nội, đã ra diễn hàng loạt hoạt động quan trọng của Hội nghị Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) lần thứ 16 năm 2018. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là cần có thêm giải pháp hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch thiết thực...

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm đến thu hút du khách dịp cuối tuần.Ảnh: Hữu Tiệp


Sẽ hình thành mạng lưới du lịch

Mặc dù hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về lượng khách trao đổi giữa 10 thành phố thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á, nhưng theo ông Y.Fujita - Chủ tịch Hội đồng thì những năm qua, sự tăng trưởng lượng khách đến với mỗi thành phố thành viên chứng tỏ sự hợp tác giữa các thành phố trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch đã đạt hiệu quả khá tốt. Ví như, hoạt động hợp tác gần đây nhất giữa các thành phố trong Hội đồng là cuộc thi ảnh về buổi sáng tại mỗi thành phố trên trang web chung, đã giới thiệu được những nét đẹp, nét độc đáo của mỗi thành phố tới du khách.

Bà Josefina J.Faulan - Giám đốc 3 - Chính quyền phát triển đô thị Manila (Philippines) bày tỏ: “Khi tham gia Hội đồng, chúng tôi nhận thấy những dự án chung luôn cần thiết với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của các thành phố thành viên. Quy mô quảng bá sẽ không dừng lại ở các thành phố trong Hội đồng mà có thể lan tỏa ra nhiều thành phố cũng như các nước khác”... Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, Hội đồng đã bàn việc hình thành mạng lưới du lịch chung, gồm 10 thành phố thành viên: Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Metropolitan Manila (Philippines), Hà Nội (Việt Nam), Seoul (Hàn Quốc), New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Tomsk (Nga). Mạng lưới này cũng sẽ hướng đến các thị trường khác ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương...

"Dự kiến, từ năm 2019 mạng lưới này sẽ được triển khai với hy vọng giúp các thành phố ngày càng hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách hơn. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, mối liên kết trong Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á sẽ trở thành thương hiệu riêng để khi nhắc đến tên một thành phố thành viên là thấy hình ảnh của các thành viên khác. Mạng lưới du lịch chung đã bước đầu hình thành và giờ là lúc phải cụ thể hóa các chương trình để đi vào hoạt động hiệu quả hơn”, ông Y.Fujita chia sẻ.

Hà Nội cần nắm bắt cơ hội

Xe buýt 2 tầng City tour - một trong những sản phẩm du lịch mới của Hà Nội. Ảnh: Khuê Diệp


Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist thì việc đưa ra giải pháp để thu hút du khách vẫn được cơ quan quản lý du lịch các thành phố đề cao hơn so với việc tìm cách đưa khách ra nước ngoài. Hiện tại, việc thu hút khách đến dựa trên sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp. Ông Hari Wibowo, Giám đốc điều hành điểm đến và marketing - Văn phòng Văn hóa và Du lịch Jakarta (Indonesia) cũng khẳng định, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến để thu hút khách đến Jakarta và sẵn sàng chi tới 40 triệu USD/năm cho công tác này.

Để có thể thu hút khách từ thị trường khác thì phương án đối ứng vẫn được xem là giải pháp đáng chú ý. Từ lâu, Hà Nội và Tokyo đã thực hiện phương án đối ứng quảng bá để đôi bên cùng có lợi. Ở cách làm này, hai bên sẽ quảng bá, chia sẻ thông tin giới thiệu hai thành phố; chia sẻ hợp tác quảng bá ở nơi công cộng. Như năm 2017, Hà Nội đã quảng bá về du lịch của Tokyo trong một tháng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cũng như vậy, Tokyo đã quảng bá hình ảnh về du lịch Hà Nội tại các điểm công cộng. Trước đó, còn có chương trình giảm giá, tặng quà cho khách du lịch Hà Nội hoặc Tokyo khi đăng ký tour tới hai thành phố trên website của Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giảm giá, tặng quà tại hệ thống nhà hàng, điểm tham quan ở Tokyo khá thuận lợi thì tại Hà Nội lại gặp không ít khó khăn. Rõ nhất là một số điểm đến không thuộc quyền quản lý của Sở Du lịch Hà Nội nên không thể giảm giá vé vào cửa cho khách do đã bị “cột chặt” theo quy định. Vì thế, khi quyền lợi của cả hai bên không cân bằng thì cách làm này không thể tiếp tục, dù có rất nhiều ưu việt, thể hiện rõ sự hợp tác giữa các thành viên trong một nhóm.

Sau Hội nghị Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16, mạng lưới du lịch kết nối 10 thành phố sẽ hình thành, đi kèm là những giải pháp, hoạt động cụ thể thì Hà Nội càng có nhiều cơ hội thu hút du khách. Và cách làm mang tính đối ứng sẽ phát huy nhiều hơn. Nhưng, để tận dụng tốt cơ hội lại là vấn đề không dễ thực hiện được ngay, khi cơ quan quản lý du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp không có sự thống nhất cách làm.

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, bên cạnh lợi thế sẵn có về lịch sử, văn hóa, Hà Nội còn cần những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang tính gợi mở để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống. Nhờ đó tận dụng được cơ hội thu hút khách khi mạng lưới du lịch của các nước trong Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á hoạt động. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần thực hiện tốt vai trò của mình trong mạng lưới du lịch của Hội đồng, một hình thức hợp tác diện rộng đòi hỏi phải có phương pháp, chiến lược phù hợp với điều kiện từng nước. Vì vậy, việc đầu tiên vẫn phải làm tốt công tác xúc tiến cho thành phố mình, sau đó xúc tiến chung cho điểm đến châu Á mà cả 10 thành phố thành viên cùng xây dựng.

Theo Tuyên bố chung về Hội nghị Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16 năm 2018, trong thời gian triển khai dự án chung trong mạng lưới, các thành viên sẽ tăng cường truyền thông tới người dân về sự hấp dẫn của du lịch mỗi thành phố; chia sẻ các phương pháp hay nhất để thiết lập thương hiệu điểm đến du lịch; xúc tiến việc quảng bá, tuyên truyền thông qua việc sử dụng thương hiệu của mỗi thành phố...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á: Hướng đến hợp tác thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.