Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội Đền Thánh Cả

Minh Bắc| 01/03/2010 11:33

(HNMO) - Nằm trên tuyến du lịch hành hương về đất Phật Chùa Hương, Đền Thánh Cả là điểm dừng chân của nhiều du khách thập phương. Ngoài sự sùng kính đối với bậc tiền nhân nhiều công lao với trăm họ, khách du lịch còn được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với núi non, sông nước, trên bến, dưới thuyền, trẻ già, gái trai nô nức ngày trẩy hội...


Đền Đức Thánh Cả toạ lạc trên đất thôn Hữu Vĩnh (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội), còn gọi là đền Thiên Vựng. Đền Đức Thánh Cả đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá.

Cổng Đền Đức Thánh Cả. Ảnh: M.B

Đền ngự bên tả ngạn sông Đáy, tựa lưng vào dãy núi Hàm Long trùng điệp. Du khách trẩy hội chùa Hương trên đường 21B, đoạn từ Thanh Bồ về bến Đục Khê, đến xã Hồng Quang, theo biển chỉ dẫn trên trục đường qua cánh đồng trải rộng, đi khoảng 15 phút đường sông từ Đình Xuân sẽ cập bến Đền Đức Thánh Cả.

Tương truyền, Đền Đức Thánh Cả được xây dựng cách đây khoảng 1.500 năm. Đền thờ thần là vị tướng "Nhất phẩm đại vương" triều Tiền Lý Nam Đế.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" và thần phả, sắc phong hiện lưu giữ tại đền do Hàn Lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần tri điện Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hữu lục niên (1740) thì Thần thuộc dòng dõi Kinh Dương Vương, con cháu vua Hùng. Sinh thời, Thần là một vị tướng phò Lý Bôn dẹp giặc Lương xâm lược. Thần vốn là người có tài thao lược thuỷ quân, được Lý Bôn phong làm "Tổng thống quân vụ thuỷ đạo thượng tướng quân". Ngài cùng với Đại tướng Phạm Tu thống lĩnh quân sĩ, phía Bắc dẹp tướng giặc Tiêu Tư nhà Lương, phía Nam dẹp giặc Chăm-pa xâm lược. Diệt xong giặc, đất nước thanh bình, ngày 6 tháng 12, Ngài đi xe mây về cửa sông Hát thuộc trang Hữu Vĩnh, hào quan sáng rực một vùng. Ngài hoá tại nơi đây - nơi thân mẫu đã sinh ra Ngài. Hiển thánh, Ngài được Lý Nam Đế phong sắc "Nam Thiên linh ứng tối linh thượng đẳng tôn Thần". Nhà vua ban cho 5 hốt bạc, cấp ruộng đất cho trang Hữu Vĩnh làm "hộ nhi", tu sửa đền miếu để phụng thờ, lưu dấu linh tích trường tồn cùng non sông đất nước. Từ đó, ngôi đền này luôn được phụng thờ tôn nghiêm. Nhân dân địa phương và khách thập phương thường xuyên về bái lễ, chiêm ngưỡng công lao bậc Tiền nhân.

Trải qua các triều đại đều ban sắc phong. Hiện tại đền còn lưu giữ được 48 đạo sắc từ thời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628) đến thời Nguyễn. Các sắc phong đều ghi nhận "xưa nay giúp nước, giúp dân nhiều lần linh ứng, xếp vào hàng tối linh thần ở trời Nam". Năm 1991 đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng.

Từ xưa, nhiều bậc đứng đầu vương triều, các anh hùng dân tộc đã từng về đây chiêm ngưỡng, bái lễ. Theo thần phả hồi thế kỷ thứ X, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân đến đền Hữu Vĩnh, thấy phong cảnh núi sông hùng vĩ, ngưỡng mộ thần linh, ông đã cho quân sĩ hạ trại làm lễ cầu nguyện. Đến nửa đêm, Thần báo mộng âm phù giúp ông dẹp giặc. Ông làm lễ bái tạ và chọn mười hai trai tráng của làng sung vào đội quân túc vệ. Từ đó, đánh đâu thắng đó, rồi lên ngôi, đó là Đinh Tiên Hoàng.

Nhớ ơn thần phù giúp, nhà vua sắc phong "Thượng đẳng thần" cùng mỹ tự "Thượng linh tế thông cảm rực thánh hồng ân uy liệt hiển hựu trung minh quốc Thượng đẳng thần". Ngày 11 tháng giêng hàng năm, nhà vua xa giá về hành lễ. Từ đó, ngày 10, 11, 12 tháng giêng trở thành ngày hội lớn của nhân dân địa phương.

Thời Trần, vào năm 1285, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước khi đại phá quân Nguyên Mông, ông kéo quân về giữ cửa rừng huyện Hoài An (miền ứng Hoà, Mỹ Đức ngày nay). Hưng Đạo Vương đã vào đền làm lễ tế thần, sau đó tiến đánh quân giặc, giành đại thắng. Vua Trần sắc phong cho thần "Nhất vị vũ lợi phong vân đẳng khấu hộ quốc linh ứng Thượng đẳng thần". Ngày 6 tháng 5, nhà vua sai tướng sĩ về làm lễ bái tạ. Từ đó, ngày này cũng là ngày lễ hội của nhân dân địa phương.

Về kiến trúc, ngôi đền được xây dựng theo kiểu trong chữ "Vương", ngoài chữ "Quốc". Phía ngoài có cổng đền và tường bao quanh. Phía trong là hai dãy hành lang, nhà đại bái, nhà hậu cung và toà ống muống. Toà hậu cung có 9 rồng chầu. Trong đền còn lưu giữ được toàn bộ hệ thống hoành phi câu đối sơn sơn thếp vàng, sơn mài, khảm trai có giá trị. Đặt giữa toà đại bái là hai bức hoành phi:

Bức ngoài: "Vạn cổ anh linh (muôn thuở anh linh); bức trong: "Nam Thiên thượng đẳng" (thần thượng đẳng ở trời Nam). Trong đền còn có hàng chục câu đối gỗ sơn son thếp vàng, có câu đối của các quan đại thần. Câu đối của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, viết:

Long điển phấn sùng từ ngũ thái loan chương tiên quyết hạ
Long tung truyền cổ sử thiên niên vân giá hải thiên quy.

Dịch nghĩa:

Điển hưng đền thịnh năm sắc phượng bay cửa tiên mở
Dấu binh truyền sử cũ ngàn năm xe mây trời biển vẫn về.


Câu đối của Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, viết:

Quốc Hữu Vĩnh từ chiêm đế đức
Dân Hoài An trạch ngưỡng hoàng ân

Dịch nghĩa:

Nước có đền Hữu Vĩnh ngôi đế đức
Dân Hoài An ngưỡng ơn đức Hoàng đế"

Đặc biệt, cổng chính của đền là một kiến trúc hình khối cân xứng với những đường nét đắp vẽ phù điêu rất đẹp. Phía trên cổng đắp nổi bốn chữ: "Lâm hạ hữu hách" (nơi nổi tiếng hiển hách). Hai cột trụ có câu đối:

Tứ thiên dư niên vu từ Hồng Lạc thánh thần tú thuỷ kỳ sơn tiêu thắng tích.
Bách niên vạn thế chi hạ long tiên dân tộc phổ phông can vũ tối linh sàng.

Dịch nghĩa:

Hơn bốn ngàn năm nơi đây có thánh thần Hồng Lạc, non nước ngoài thắng tích.
Mãi mãi về sau dân tộc rồng tiên đội ơn mưa móc của thần thiêng".

Ngoài những giá trị văn hoá cổ được lưu truyền, đền Hữu Vĩnh còn là một thắng cảnh đẹp. Đền ngự bên bờ sông cổ. Cửa đền nhìn ra dòng sông. Nơi đây, dòng sông uốn khúc như dải lụa. Phía sau đền tựa lưng vào dãy núi Hàm Long. Ngọn núi chính hình thành 9 cấp nhìn tựa như 9 đầu rồng hướng về đền. Từ ngọn núi này, nước chảy qua lèn đá tuôn róc rách quanh năm. Ngôi đền ẩn nhập vào lớp áo choàng xanh của những lùm cây cổ thụ, cây ăn quả trải rộng trên diện tích 20.807m2.

Với vị trí núi non hùng vĩ, sông nước hiểm trở, nơi đây đã từng chứng kiến bao kỳ tích anh dũng của các thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Từ những năm 1947-1948 đến 1953 là vùng chiến khu căn cứ kháng chiến của đồng bằng Bắc bộ, đầu mối nối liền tuyến đường Hà Nội - Phú Xuyên - Khu Cháy (Ứng Hoà) với vùng hậu cứ rộng lớn: Nho Quan, Thanh Oai, khu IV cũ. Công binh xưởng những ngày đầu kháng chiến đã lập xưởng đúc súng đạn đầu tiên ở khu vực này.

Liên khu uỷ Uỷ ban Hành chính Liên khu III vào những năm 1949-1950, đóng ở đây chỉ huy chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Nam Khu Cháy - Ứng Hoà - Phú Xuyên - Bắc Bình Lục - Nam Hà. Đền cũng là nơi tập kết bộ đội xuất quân đánh nhiều trận lớn, nơi dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến.

Trải qua bao cơn binh lửa, thế vận đổi thay, ngôi đền vẫn trường tồn cùng với sự trường tồn của đất nước, trở thành di tích lịch sử - văn hoá. Nơi đây ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử đáng trân trọng, đi vào đời sống tinh thần của nhân dân với lòng tôn kính, sùng bái khách thập phương.

Hàng năm, lễ tiễn năm cũ, đón năm mới từ ngày 30 Tết đến hết mùng 4 tháng giêng. Từ đó, đón du khách trẩy hội Chùa Hương và hành lễ Đền Đức Thánh Cả; Lễ đại kỳ phước được tổ chức 3 ngày từ 10 đến 12 tháng giêng, làng tổ chức rước kiệu bằng thuyền rồng dọc sông, có bơi chải và các thuyền chiến bơi thờ, rước lọng giá từ đền về đình Xuân đến tế thần. Trong 3 ngày có nhiều trò vui như: múa rồng, kỳ lân, đấu gậy...; Kỳ lễ tế vua Đinh, tưởng niệm vua Đinh - người có công thống nhất đất nước, làng tổ chức tế lễ 1 ngày (ngày thượng đinh đầu tháng 2); Hội tế mùng 6 tháng 5 là ngày kỷ niệm vua Trần về tạ ơn Thánh; Kỳ tế hội thu, tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 8 có rước thuyền bơi chải, rước kiệu trên sông từ đền về đình Thu, tế Long Vân khánh hội; Hội tế mùng 6 tháng chạp là ngày kỵ Thánh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội Đền Thánh Cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.