(HNM) - Đến hẹn lại lên, đúng 16h ngày 29-1 (tức 24 tháng Chạp, năm Mậu Tuất), Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 bắt đầu diễn ra tại không gian Hồ Văn, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Tiếp nối truyền thống tôn sư, trọng đạo
Một trong những nét mới của Hội chữ xuân năm nay tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ngoài các ông đồ của Thủ đô Hà Nội, còn có sự góp mặt của đại diện nhiều câu lạc bộ thư pháp thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như: Huế, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định… 60 ông đồ dự Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 là những người đã vượt qua các vòng sát hạch do Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam tổ chức từ một tháng trước, nhằm chọn ra “những ông đồ chất lượng cao” cùng tham gia thể hiện tài năng tại Hội chữ xuân. Đặc biệt, năm nay, Tiến sĩ, nhà thư pháp Cung Khắc Lược, một trong “tứ trụ” thư pháp Việt Nam đã trở lại Hội chữ xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần tăng thêm “sức nóng” cho Hội chữ xuân. Bà Trần Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Ba Đình) cho biết: Nghe tin thầy Cung Khắc Lược tham gia viết chữ tại Hội chữ xuân, vợ chồng tôi quyết đi hội từ ngày khai mạc để được gặp và xin cụ chữ về trưng Tết. Thấy cụ còn mạnh khỏe, tham gia được những hoạt động ý nghĩa như thế này, chúng tôi rất phấn khởi.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 mang chủ đề “Văn hiến” với ý nghĩa tôn vinh, đề cao các giá trị tinh thần. Bên cạnh việc cho chữ, các ông đồ năm nay còn được yêu cầu giới thiệu giá trị, ý nghĩa của tục cho chữ đầu xuân, giải thích cặn kẽ, thấu đáo mỗi chữ viết, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp cho công chúng. Ban Tổ chức đã cho soạn thảo, in, phát cuốn sách giải nghĩa 200 thành ngữ, từ vựng để hỗ trợ tra cứu, thuyết trình, tránh trường hợp người xin chữ không hiểu nghĩa chữ được cho như những năm trước đó.
Để chấn chỉnh những lộn xộn, bát nháo có thể xảy ra trong thời gian diễn ra Hội chữ xuân, trước thời điểm khai mạc, Ban Tổ chức cũng đã thông báo cụ thể với các ông đồ về quy định tham gia hội chữ: Đeo thẻ suốt thời gian tham gia viết chữ; không lấn chiếm không gian hay di chuyển sang vị trí không được quy hoạch cho hoạt động viết chữ... Bất cứ vi phạm nào cũng sẽ bị đình chỉ, “treo bút” tại chỗ cũng như vĩnh viễn không được tham gia các Hội chữ xuân năm sau. Quyết định cứng rắn này nhằm bảo toàn nguyên vẹn ý nghĩa tốt đẹp của tục cho chữ đầu xuân, giữ gìn mỹ quan, không gian văn minh cho Hội chữ xuân.
Để phong tục đẹp không trở thành hoài niệm
Năm nay, không gian Hội chữ xuân thay đổi rất nhiều so với những năm trước. Ngoài khu vực sân khấu trung tâm, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, khu vực trình diễn thư pháp và cho chữ…, còn có các không gian dành cho triển lãm nghệ thuật thư pháp mang chủ đề “Văn hiến”; không gian làng nghề truyền thống, giới thiệu nghề: Giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ…; không gian trò chơi dân gian: Nặn tò hè, vẽ tranh, ô ăn quan…; không gian chợ phiên và ẩm thực dân gian…
Xin chữ đầu xuân, nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Nhật Nam |
Đặc biệt, một không gian trường thi với đầy đủ lều chõng, tháp canh, nhà Thập đạo… cũng được dựng lên, giúp công chúng hiểu rõ ràng, chân thực hơn về hoạt động thi cử ngày xưa. Xen kẽ các không gian này là những tiểu cảnh nghệ thuật sắp đặt, gợi nên khung cảnh làng quê Bắc Bộ; chợ hoa ngày Tết; hoạt động vinh quy bái tổ… Tất cả mang đến cho người tham dự cảm giác lạc trong một bức tranh dân gian sinh động và đẹp mắt. Sinh viên Nguyễn Thúy Hòa, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: “Hồ Văn những ngày này là điểm đến yêu thích của nhiều người. Chúng em đến đây để hòa mình vào không khí Tết cổ truyền với những hoạt động đầu xuân nhiều ý nghĩa. Cùng với xin chữ treo Tết, chúng em còn có cơ hội ghi lại những hình ảnh đẹp trong không gian cổ kính, gần gũi của một trong những điểm đến ý nghĩa nhất của Thủ đô”.
Khu vực thu hút công chúng nhất vẫn là làng Sĩ tử với các gian trình diễn thư pháp và cho chữ của các ông đồ. Ngay sau thời khắc khai hội, lượng người đổ về đây ngày càng đông hơn. Các ông đồ cũng đã tề tựu đông đủ, sẵn sàng bút, nghiên, giấy, mực… phục vụ công chúng. Ông đồ Trần Võ Hiệp, Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút cho hay: Chứng kiến không khí Hội chữ xuân những ngày này, có thể khẳng định tục cho chữ đầu xuân, một nét đẹp văn hóa của dân tộc vẫn được người dân trân trọng, gìn giữ. Cuộc sống hiện đại dù có gấp gáp, hối hả đến đâu cũng khó lòng làm mai một những giá trị, tinh hoa văn hóa đó.
Là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, tục cho chữ đầu xuân mang ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đề cao trí tuệ, hiền tài. Hội chữ xuân được tổ chức thường niên tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, kỳ vọng tiếp nối truyền thống trong dòng chảy thời đại, giúp công chúng hiểu hơn về quá trình tiếp biến ngôn ngữ của dân tộc. Để phong tục không trở thành hoài niệm, cần có sự chung tay, góp sức, những tấm lòng của người tham gia Hội chữ xuân bắt đầu từ việc nêu cao ý thức giữ gìn cảnh quan cũng như ứng xử văn hóa trong không gian di sản.
Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ mở cửa từ 8h đến 20h hằng ngày, bắt đầu từ ngày 29-1 đến hết 17-2 (tức 13 tháng Giêng). Riêng đêm 30 Tết, Hội chữ xuân sẽ hoạt động đến 2h ngày hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết mở cửa đến 22h. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.