Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội Chọi trâu tại Phúc Thọ: Hơn cả mong đợi

Đức Trường| 24/02/2014 06:21

(HNM) - Người dân xã Sen Chiểu (Phúc Thọ) nhảy nhót, hò reo vui mừng chiến thắng ấn tượng và xứng đáng của trâu xã mình. Hàng vạn khán giả trên sân vỗ tay tán thưởng.

Hàng vạn khán giả đội mưa xem chọi trâu. Ảnh: Duy Anh


Những trận đấu đẹp

Trước khi lọt vào trận chung kết, trâu số 17 đã trải qua một trận bán kết dài tới hơn nửa tiếng với trâu số 1 (huyện Hoài Đức). Đây là trận đấu kéo dài nhất Hội Chọi trâu lần này. Hai ngưu thủ đều tỏ ra xứng đáng lọt vào trận bán kết khi liên tục tung ra những cú húc, lắc, móc hiểm hóc về phía nhau. Mặc dù trâu số 1 tung ra nhiều đòn đánh hiểm trước nhưng trâu số 17 đã lỳ lợm và phản công lại dữ dội. Sau khoảng 15 phút "ăn miếng, trả miếng", đầu và sừng của cả hai "ông trâu" đều đẫm máu. Đôi trâu vần nhau từ đầu sân bên này đến đầu sân bên kia khiến khán giả mãn nhãn, liên tục vỗ tay cổ vũ. Sau khi thấm mệt, hai ngưu thủ đứng rình miếng nhau. Trọng tài yêu cầu đội dắt trâu tách hai trâu ra để buộc chạc ép đấu nhưng vẫn bất thành, sau nhiều lần che cờ vào giữa hai ngưu thủ. Cuối cùng, sau khi tách hai trâu, rồi buộc chạc ép đấu, trâu số 17 đã chiến thắng bằng sự lì lợm hiếm có. Trâu 17 đã thể hiện đúng tinh thần: "Nhất lỳ, nhì hay, tam may, tứ lực".

Trong vòng đấu 1/8 của ngày chung kết, ai ai cũng lắc đầu lè lưỡi khi chứng kiến đòn "hổ lao" cực mạnh của trâu số 14 khiến trâu số 12 gục ngay tại trận. Khộp! Đó là âm thanh duy nhất phát ra sau miếng hổ lao của trâu số 14 vào đối thủ. Trâu 12 của ông Hoàng Văn Toàn (Đồ Sơn, Hải Phòng) đã gục ngay trong những giây đầu tiên của trận đấu. Đây là "ngưu thủ" duy nhất chết ngay tại trận. Những người dắt trâu đã phải tập trung để kéo trâu số 12 ra ngoài bãi và đưa về… điểm mổ bằng máy xúc! Nhưng sau đó trâu số 14 được Công ty Tuấn Linh (thị trấn Phúc Thọ - huyện Phúc Thọ) mua về từ Thái Lan đã phải chịu thua trâu số 1 trong trận tứ kết. Kết cục này đúng như nhận định của ông Hoàng Đình Việt (Đồ Sơn, Hải Phòng) từ hôm diễn ra vòng đấu loại (22-2). Theo ông Việt, trâu số 14 có sức khỏe vô biên, sừng hàm rết, tổng thể khá hoàn hảo. "Chúng tôi mà có được con 14 này để chăm thì sẽ hay lắm", ông Việt ao ước. Ông Việt dự đoán, nếu trâu số 14 gặp trâu số 12 sớm thì vẫn có thể thắng nhưng vì cả hai đều dùng đòn "hổ lao" nên trâu thắng cũng có thể bị "choáng" và ảnh hưởng đến kết quả thi đấu ở những vòng sau.

Trước hai trận đấu hay của ngày chung kết, khán giả Hà Nội đã được chứng kiến một trận thư hùng giữa hai "ngưu thủ" số 18 số 31 ở vòng loại. Trâu số 18 của ông Kiều Duy Huấn (Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ) được nhận định là một trong những ứng cử viên vô địch đối đầu với trâu số 31 của ông Phạm Đức Trường (Hàm Yên, Tuyên Quang). Cùng có xuất xứ từ Hàm Yên, sau vài phút thăm dò, hai ngưu thủ đã lao vào "ăn miếng trả miếng" với những đòn cáng sừng, cáng hầu nhấc bổng đầu đối phương lên, khiến khán giả liên tục ồ lên vui sướng. Cả hai trâu đều đã có lần bị lộn một vòng vì những miếng húc hiểm của đối thủ nhưng không hề bỏ chạy. Sau hơn 6 phút so tài, trâu số 31 đã chiến thắng vì sự kiên cường. Khán giả ai cũng trầm trồ, từ những người lần đầu xem chọi trâu đến những chủ trâu đã vài chục lần dẫn trâu đi chinh chiến. Không phải tự nhiên cặp đấu này được nhận giải phụ là cặp trâu đánh hay nhất hội.

Kỳ phùng địch thủ tranh tài quyết liệt.


Vài mẩu chuyện cảm động

Đằng sau những trận chọi trâu đẫm máu là những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa "ngưu thủ" và chủ trâu hay người chăm trâu. Anh Nguyễn Đắc Tài, người xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ) chủ trâu số 17, đã nhảy lên vui sướng khi trâu số 17 đánh thắng trâu số 22. Vỗ vỗ vào đầu trâu, anh Tài nói: "Mày giỏi lắm! Đoạt giải 3 là cái chắc rồi! Cố lên nhé!" Trâu số 17 được anh Tài cùng vài người bạn tìm vào tận vùng núi huyện Tương Dương (Nghệ An) mua về từ 4 tháng trước. Vốn là trâu kéo gỗ, "ông trâu" này đã có lần dùng sừng hất gỗ ra để cứu ông chủ bị gỗ đè. Anh Tài chọn con này vì mắt nó đỏ như mắt cá chày nhưng tính lại thuần. Mỗi lần chọi thắng anh chỉ cần vỗ vỗ là nó đã đứng yên không lồng lộn, phá phách như những con trâu thắng cuộc khác. Sau trận bán kết thắng trâu số 1, anh Tài vui thì có vui nhưng mắt rơm rớm vì thấy trâu của mình đầy thương tích, máu của nó trộn lẫn máu của đối thủ. Sau trận chung kết, anh Tài không buồn vì thua cuộc mà chỉ thấy thương con trâu của mình. Anh Tài khẳng định, sau lần đầu có trâu dự giải, anh sẽ tiếp tục tìm trâu hay để dự giải lần sau.

Ông Hoàng Đình Việt, một người tham gia hội chọi trâu lâu năm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết, người chủ trâu chọi chăm sóc, dạy trâu, quý trâu như nuôi con mình. Hằng ngày, ngoài việc cho ăn ngọn mía, lá ngô, ngô non đúng bữa còn phải đưa trâu đi tập luyện. Tối đến phải mắc màn to cho trâu để tránh muỗi đốt. Trâu được tắm rửa kỹ càng đến mức da đen bóng, lông sạch trơn, không còn một con ve trên mình trâu. Sau mỗi trận đánh, trâu thắng được cho ăn uống, nghỉ ngơi và lau rửa vết thương bằng nước ấm. Thậm chí, chủ trâu còn dùng mật gấu để xoa bóp những vết sưng trên mình, trên đầu trâu. Điểm khác biệt giữa Hội Chọi trâu ở Phúc Thọ và Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn là trâu thắng ở Đồ Sơn được nghỉ hai tháng một ngày để hồi phục rồi mới vào đánh vòng chung kết. "Chọi trâu như ở đây thì hại trâu lắm", giọng ông Việt xót xa!

Trong Hội Chọi trâu này, những con trâu có xuất xứ từ vùng trong như Kiên Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Gia Lai gặp tiết trời lạnh khô rồi lại đổi sang lạnh ẩm đã bị chảy nước mũi. Những người chăm trâu đã phải dùng lò sưởi để giữ ấm, giữ sức khỏe cho trâu chọi của mình. Có lẽ không hợp với thủy thổ đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của những "ngưu thủ" đến từ xứ nóng chưa một lần chịu cái rét của miền Bắc.

Trong sới, trâu chọi. Ngoài hàng rào, người xem chen chân nhau. Tuy có đôi lúc, đôi chỗ có tiếng cự nhau, nhưng mọi người đều biết thu xếp để thưởng thức những pha đánh đẹp. Vui nhất là lũ trẻ. Chẳng mất tiền vé, vào đến sân lại được người lớn nhường cho ngồi ở gần hàng rào để xem cho rõ. Em Vũ Ngọc Quý, 10 tuổi, học sinh Trường THCS Liên Quan ngồi cùng hàng chục bạn khác mắt như gắn vào từng pha chọi, miệng trả lời nhát gừng: "Lần đầu cháu đi xem. Thích đấy! Sang năm cháu lại đi xem tiếp". Mấy phụ huynh ngồi gần đó bảo, cho bọn trẻ đi xem để biết về mà còn tập làm văn.


Thay lời kết

Hàng vạn khán giả đến sân cùng những tiếng hò reo, cổ vũ đã chứng minh cho sự thành công hơn mong đợi của Hội Chọi trâu tại huyện Phúc Thọ lần đầu diễn ra tại Hà Nội. Người dân Phúc Thọ không chỉ có thêm một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa dịp đầu xuân mà còn có thêm việc làm và một nguồn thu. Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ không giấu được vui mừng khẳng định: "Sự thành công của Hội Chọi trâu lần đầu sẽ cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục tổ chức năm sau".

Tuy nhiên, vẫn còn đó vài điểm gợn. Trong hội, nhà vệ sinh di động quá tải, nước thải chảy tràn ra ngoài sân, bốc mùi hôi. Khách dự hội cũng bị làm phiền bởi sự quá ầm ĩ của màn quảng cáo cho món giò trâu chọi, thịt trâu chọi và các món liên quan đến thịt trâu ở các nhà hàng. Phía ngoài, các quầy bán thịt trâu, bán các đặc sản của Phúc Thọ đều hét giá quá cao. Đây đó, còn có hiện tượng móc túi hoặc mất điện thoại mà ban tổ chức không quán xuyến nổi. Sau hội, rác tràn ngập trên khán đài, dưới sân bãi. Âu cũng là lần đầu. Chắc hẳn ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm cho Hội Chọi trâu năm sau.

Kết quả chung cuộc

- Trâu số 25 vô địch với giải thưởng 3 cây vàng 9999.
- Trâu số 17 đoạt giải nhì 2 cây vàng 9999.
- Trâu số 01 và trâu số 03 đồng giải ba 1 cây vàng 9999.

Các giải phụ có giá trị 5 triệu đồng/trâu: Giải Trâu gan dạ nhất thuộc về trâu số 01; Giải Cặp trâu đánh hay nhất thuộc về cặp trâu số 31 và số 18; Giải Trâu có đòn đánh hiểm nhất thuộc về trâu số 14.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Chọi trâu tại Phúc Thọ: Hơn cả mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.