Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học vấn và giá trị, nhân cách

Nguyễn Triều| 21/05/2012 05:43

(HNM) - Có hai nguyên nhân chủ yếu để phụ huynh tìm mọi cách, từ


Thứ nhất, về mặt xã hội, cung quá thiếu so với cầu: trường lớp, phương tiện giáo dục - thiếu và chật hẹp; đội ngũ giáo viên giỏi, tận tụy - thiếu; bộ máy quản lý, lãnh đạo trình độ cao, giàu kinh nghiệm - rất thiếu. Thứ hai, về gia đình, ai cũng khát khao cháy bỏng về việc tạo cho con cháu điều kiện học hành tốt nhất để thành người.

Trường lớp thiếu, tạm bợ vì thiếu một chiến lược lâu dài, nhất quán về quy hoạch và xây dựng cơ sở giáo dục hạ tầng, chỉ lấy số lượng làm chính, đầu tư dàn trải, dàn hàng ngang cùng tiến nên ngay cả ở Hà Nội cũng chưa có một quận nào các trường đều đạt chuẩn đúng nghĩa thực sự. Trong khi đó rất nhiều tiền của phí phạm vô ích vì những "phong trào" cải cách, "thử nghiệm" cải cách… Lấy một ví dụ về "thử nghiệm" của ngành giáo dục tiến hành trong những năm qua là cung cấp hàng vạn máy tính cho các trường vùng sâu, vùng xa với mục đích "tin học hóa".

Tuy nhiên, do các giải pháp không đồng bộ, đánh trống bỏ dùi (chương trình dạy "chưa soạn thảo xong"; đội ngũ giáo viên "chưa đào tạo đủ", phòng đặt máy nhiều trường không có…) nên nhiều trường đành để đấy cho học sinh chơi game. Giáo viên, người quản lý giỏi, tận tụy với nghề thiếu không chỉ do đào tạo, mà do chính sách đãi ngộ không thỏa đáng và thường là "đem con bỏ chợ". Chương trình giáo dục thay đổi thường xuyên dẫn tới tình trạng mỗi năm không chỉ lãng phí hàng nghìn tấn giấy, mực để in sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn mới; tiêu phí hàng nghìn tỷ đồng của phụ huynh mà còn gây tâm lý bất ổn trong xã hội; tạo nghi ngờ đối với những gì hôm nay được dạy, được học…

Phụ huynh nào cũng cố gắng dành những gì tốt đẹp nhất cho con, đó là việc làm chính đáng. Vấn đề là: Liệu những gì phụ huynh cho là tốt nhất có thực sự tốt nhất cho trẻ và có tạo nên những người thành đạt như mong mỏi? Nhưng nhiều khi tạo cho con những điều kiện tốt nhất thì thực sự người lớn đang cố gắng tạo nền tảng cho trẻ đạt được những gì chính mình thèm khát chứ không hẳn để trẻ đạt được điều nó có thể, điều nó mong muốn. Đơn giản là bố mẹ dùng trẻ như phương tiện để đạt mục đích của mình thông qua con cái. Phụ huynh có xu hướng làm tốt cho trẻ như một cá thể dễ bị tổn thương, cần bảo vệ, mà quên rằng, là một thành viên của xã hội, của tập thể, trẻ không thể tách rời, sống biệt lập với môi trường nó sinh ra, lớn lên. Khi tạo cho con những gì tốt đẹp nhất (đôi khi là bằng mọi giá) phụ huynh chỉ nhằm một mục đích - trẻ được học hành đầy đủ khi còn nhỏ và sẽ thành tài, thành đạt khi lớn để có một cuộc sống đầy đủ. Nghĩa là họ chú trọng nhiều tới địa vị xã hội, có thu nhập (vật chất) sau này mà ít quan tâm tới điều đặc biệt quan trọng - trẻ sẽ là một người như thế nào trong gia đình; một thành viên trong tập thể; một công dân trong xã hội? Với cách thèm khát, mong mỏi về sự đầy đủ của con cái sau này, phụ huynh đã đặt giá trị vật chất quan trọng hơn giá trị tinh thần. Điều này đã dẫn đến cán cân giáo dục bị lệch. Và đương nhiên dẫn tới nhiều lệch lạc khác trong quá trình hình thành và phát triển nhận thức về giá trị sống và nhân cách của trẻ.

Một trong những mục đầu tiên và rất quan trọng trong hồ sơ lý lịch của mỗi công dân là "Trình độ văn hóa". Về nguyên tắc, phải quan niệm rằng đến trường không chỉ để học kiến thức khoa học về thế giới và xã hội, mà trước hết là học làm người. Sự học hài hòa như vậy mới trở thành một người có ích cho gia đình, cho xã hội. "Trình độ văn hóa" đúng nghĩa của nó là học thức và nhân cách tỷ lệ thuận với nhau. Tất nhiên nhiều người học vấn thấp, thậm chí không biết chữ, nhưng vẫn được coi là tấm gương văn hóa do lối sống, cách hành xử phù hợp với những chuẩn mực văn hóa không thành văn cũng như thành văn. Và không thiếu những người chữ nghĩa đầy mình lại bị người đời coi khinh do sống vô văn hóa. Những người bị xã hội gọi là "vô giáo dục" thường là những người không được gia đình dạy dỗ phép tắc theo những nguyên tắc đạo đức truyền thống, mặc dù có học. Giờ đây "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn là phương châm của các trường, nhưng thực tế "Văn" quá nặng nên chẳng còn mấy thời gian cho "Lễ". Vì thế, dạy con làm người là trách nhiệm đầu tiên của phụ huynh, của gia đình. Ai cũng biết vậy, nhất là phụ huynh, và họ hiểu rằng chính họ, chính gia đình trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, cần chịu trách nhiệm chính về "Lễ" - nhân cách con cháu sau này ra sao phụ thuộc vào cách thức dạy dỗ hằng ngày ở gia đình.

Biết vậy mà vẫn kiên quyết ưu tiên để con thành tài hơn là thành người. Thành tài là thành đạt. Thành đạt là giàu có, sung sướng. Thành đạt khắc thành người… Những quan điểm lệch lạc đó đang ngày càng ăn sâu vào tư duy của nhiều người ở một đất nước có truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Đói cho sạch, rách cho thơm". Không phải mọi chân lý, đạo đức đều vĩnh cửu, nhưng quan niệm truyền thống tốt đẹp của cha ông vẫn soi rọi đến tận hôm nay. Ngày nay chúng ta cũng đang hằng ngày chứng kiến những hiện tượng khó hiểu, những quan niệm, quan điểm mới nảy sinh, khác thường, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị bị hiểu sai, bị đảo lộn…

Trong ngành giải trí và thể thao đang xuất hiện những quan niệm lệch lạc về tài năng, danh dự, đạo đức. Với nhiều người, tài năng không do học tập, rèn luyện mà do trời phú và nhờ thủ đoạn đánh bóng. Sao lại không! Một "siêu sao" tài thì ít, những scandal thì nhiều nhưng mỗi đêm có thể kiếm hàng trăm triệu đồng - số tiền nhiều nhạc sĩ lớn kiếm cả đời không được. Bóng đá nam, đích tử đích tôn, muốn gì được nấy, nhưng càng ngày càng bi bét. Trong khi đó, bóng đá nữ có các cô gái vàng đúng là vàng: Vàng trên sân cỏ nhưng trong đời sống hằng ngày lay lắt - vô địch hoài mà mấy triệu tiền thưởng đợi hoài không thấy. Trong giới nghệ sĩ, một giới được coi là biểu tượng của văn hóa, giờ cũng không thiếu người không ngại thủ đoạn để nổi danh. Cả những danh hiệu cao quý nhất mà cũng có những kẻ chui luồn vào được!

Người hiền là nguyên khí của quốc gia. Mấy ông Hai Lúa ai cũng công nhận là có tài, những gì các ông sáng tạo thật sự tốt cho nông dân nhưng không được các viện khoa học, ngân hàng hỗ trợ. Song, các công trình khoa học cấp bộ, ngành nếu được đưa vào cấp "nhà nước" thì khác hẳn: Cứ nghiên cứu, khỏi lo tiền; còn hiệu quả cứ từ từ, trăm bó đuốc rồi cũng bắt được con ếch!

Một giáo sư ngữ văn khẳng định văn hóa đọc đang bị lãng quên:
- Cả hội trường hơn 200 sinh viên nhưng chừng 100 em trả lời rằng "Thỉnh thoảng có đọc", và chỉ 23 người cho biết ngày nào cũng đọc thứ gì đó.
Một đại diện nhà xuất bản khẳng định rằng thiên hạ bây giờ, kể cả thanh niên,
vẫn đọc:
- Đọc nhiều là đằng khác. Nhưng không phải thơ hay truyện, mà sách thờ cúng, bói toán, sức khỏe tình dục…
Đọc nhiều hay ít nói lên trình độ học vấn. Đọc gì và đọc như thế nào do trình độ văn hóa quyết định.
Xã hội đang thay đổi. Cuộc sống mỗi năm một tốt hơn. Các thế hệ hiện nay học vấn cao hơn, sâu hơn; thành đạt hơn, cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn nhiều so với cha anh. Tiếc là không thể nói như thế về cuộc sống tinh thần. Nhiều khái niệm, chuẩn mực đạo đức bị đánh tráo để đổi lấy sự hào nhoáng bề ngoài. Trình độ học vấn đang có xu hướng tỷ lệ nghịch với nhân cách.

Trẻ con độ tuổi mẫu giáo, tiểu học ngày nay ít chịu nhường hoặc cho bạn mượn đồ chơi của mình. Không phải bản tính chúng ích kỷ. Là do người lớn. Đưa con đến trường, họ đưa theo cả đồ chơi, đồ uống, đồ ăn… Vì đó là thứ tốt nhất nên họ dặn con, và dặn luôn cả cô giáo: đừng cho ai. Cô giáo là người mà trẻ em nghe lời nhất và cô cũng ngại phiền phức với phụ huynh nên "Các con, đồ của ai phải biết giữ, các bạn khác không được lấy…". Vô tình hay cố ý cả phụ huynh và cả cô giáo đã dần biến đứa trẻ thơ ngây, trong trắng thành một kẻ ích kỷ, chỉ biết của mình, của mình là nhất. Nó không chỉ ích kỷ với bạn, mà với cả ông bà, bố mẹ. Một đứa trẻ như thế liệu sau này sẽ ứng xử một cách văn hóa với đồng loại?

Để che đậy nhân cách thực sự của mình, nhiều người tự quảng cáo rất kêu, rất hấp dẫn trình độ học vấn rồi được truyền hình, báo chí thổi lên thành một xu thế thời thượng. Vì thế, một người có văn hóa đẳng cấp là phải đủ các loại bằng cấp, chức tước… Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, bất kể cần hay không, trước đám đông hay trên TV, nhất thiết phải nêu đủ chức danh, học vị, học hàm, danh hiệu, tước hiệu… mới được. Nếu ai đó giới thiệu mà vô tình quên đi những chức danh, học vị của họ thì sẽ khổ với họ.

Học vấn cao là cần thiết, nhưng văn hóa cao mới thực sự là mục đích vươn tới của mỗi người và xã hội. Chỉ khi đó những giá trị tinh thần và vật chất thực sự mới ở đúng vị trí của nó và những ai đạt được đều là những nhân cách được xã hội tôn trọng, những tài năng thực sự thuộc về dân tộc và lịch sử. Nói cách khác, học vấn là nhất thời, văn hóa mới mãi mãi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học vấn và giá trị, nhân cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.