Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ việc nhỏ sẽ thu được hiệu quả lớn

Thái Sơn - Bình Yên| 10/05/2015 05:56

(HNM) - Ngày 14-5, Huyện ủy Đông Anh sẽ tổ chức lễ báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đây là việc làm thường niên được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác và đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Với cách làm thực chất, phù hợp từng đối tượng, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên hằng ngày của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đây, trên từng lĩnh vực của đời sống đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, hăng hái làm việc tốt, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu".

Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên về kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) hơn 4 năm qua.

Cách làm phù hợp với từng đối tượng

- Bộ Chính trị quyết định chuyển Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (phát động năm 2007) trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, hằng ngày của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Chỉ thị 03 (tháng 5-2011). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn xuất hiện tâm lý e ngại, sợ không học và làm theo được những gì Bác Hồ đã làm, bởi Người là bậc vĩ nhân. Tâm lý này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị 03. Huyện Đông Anh đã làm cách nào để loại bỏ tâm lý này, thưa ông?

- Lúc đầu triển khai Chỉ thị 03, chúng tôi rất băn khoăn phải triển khai như thế nào để mỗi tập thể, cá nhân trước hết là có ý thức học tập, sau khi đã "ngấm" thì từng bước "làm theo" tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực thi nhiệm vụ được giao và cả trong cuộc sống thường ngày. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh bám sát vào các chuyên đề do Trung ương chọn để quán triệt đến đảng viên và các đoàn thể, tổ chức. Ví dụ năm 2014, để triển khai chuyên đề về "Trung thực, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", huyện đã mở một lớp cho hơn 300 cán bộ chủ chốt, 45 lớp cho hơn 12.000 đảng viên (đạt tỷ lệ 96,5%), đồng thời yêu cầu các chi bộ tổ chức thảo luận chuyên đề theo từng quý. Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình 04-CTr/HU về "tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Để tránh bệnh hình thức, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí UVTV phụ trách cụm, cán bộ huyện phụ trách xã, thị trấn để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 03. Sau đó, chúng tôi chọn 12 đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, đồng thời chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chỉ thị 03 đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên. Căn cứ vào đặc thù công việc, từng cơ quan, đơn vị, cá nhân chọn việc và đăng ký mỗi đơn vị ít nhất một việc làm cụ thể theo chủ đề. Đáng chú ý, chúng tôi rất coi trọng đánh giá, kiểm điểm những việc làm cụ thể mà các tập thể, cá nhân đã đăng ký thực hiện, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá, bình xét, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm.

- Những biện pháp trên đã được nhiều đơn vị áp dụng triển khai trong thực hiện Chỉ thị 03. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại đối với mỗi địa phương là khác nhau. Ông có thể cho biết cụ thể cách làm của huyện Đông Anh?

- Với từng đối tượng, chúng tôi có cách triển khai phù hợp. Chẳng hạn với các tổ chức cơ sở đảng ở khu dân cư, việc học và làm theo Bác được gắn với nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Ở khối cơ quan, đơn vị, học và làm theo Bác là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; ở khối đoàn thể là nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; với các tầng lớp nhân dân là nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa… Huyện vừa hướng dẫn vừa đôn đốc và hầu hết các cơ quan, đơn vị đã xây dựng tiêu chí, chuẩn mực và cụ thể hóa các tiêu chí về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với chức năng, nhiệm vụ, nghề nghiệp, lĩnh vực công tác. Để phong trào tạo dấu ấn, ngay từ đầu năm, huyện phát động thi đua, mở sổ theo dõi, đăng ký những việc làm phù hợp với công việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị làm 3 đợt, lấy kết quả thi đua làm căn cứ biểu dương khen thưởng và là một trong những nội dung kiểm điểm của sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng phim tuyên truyền về 47 tấm gương tập thể, 83 cá nhân tiêu biểu, in sao gửi đến từng chi bộ cơ sở và tuyên truyền trong lễ biểu dương, khen thưởng được tổ chức vào dịp sinh nhật Bác mỗi năm. Việc này có tác dụng lan tỏa rất lớn. Qua 4 năm triển khai Chỉ thị 03, chúng tôi nhận thấy nếu không kịp thời phát hiện, biểu dương, sơ kết đánh giá thì hiệu quả sẽ giảm đi nhiều và ngược lại nếu làm tốt công tác thi đua khen thưởng, hiệu quả nhân lên nhiều lần.

Coi trọng tuyên truyền, nhân rộng điển hình

- Chúng tôi đồng tình với cách làm của huyện, tuy nhiên nếu mọi việc chỉ dừng ở những hội nghị tuyên dương chắc hẳn sức lan tỏa cũng ở phạm vi hẹp. Vì vậy, những công việc sau đó, nhất là công tác tuyên truyền chính là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả?

- Sau khi nghiên cứu, rút kinh nghiệm, công tác tuyên truyền học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được huyện Đông Anh gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền kết quả thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, như: Xây dựng nông thôn mới; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phong trào chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách; xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ "Quỹ Vì người nghèo", nạn nhân chất độc da cam. Nhiều địa phương đã đưa nội dung học và làm theo gương Bác vào hương ước, quy ước của thôn, làng nên tạo ra chuyển biến tích cực trong quần chúng nhân dân như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, tương trợ giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự ở khu dân cư... Kết quả tuyên truyền nhiều phong trào từ học tập tới làm theo Bác có hiệu ứng tích cực như: Phong trào "Ở đâu công nhân khó - ở đó có công đoàn", "Lao động giỏi", "Sáng kiến sáng tạo", "Mỗi thầy giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo". Tiếp đó là phong trào phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo; nông dân xây nhà tình nghĩa, phát triển kinh tế hộ gia đình; cựu chiến binh gương mẫu, thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới; "90 ngày đêm cán bộ chiến sĩ công an làm theo lời Bác"... Chính tính đa dạng, sinh động, thiết thực trong công tác tuyên truyền đã có tác động tích cực đến nhận thức và trở thành hành động thường xuyên của cán bộ, đảng viên, công chức, các cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo gương Bác. Chúng tôi đánh giá, đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả triển khai Chỉ thị 03 trên địa bàn huyện Đông Anh.

- Về lâu dài, muốn phong trào bền chặt, công tác tuyên truyền cần phải gắn với giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Huyện Đông Anh có nghĩ đến việc này?

- Giảng dạy, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các nhà trường là nội dung chúng tôi đặc biệt quan tâm. Huyện ủy chỉ đạo xây dựng cuốn sách "Bác Hồ với Đông Anh", tập bài giảng "Lịch sử giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng huyện Đông Anh "sử dụng làm tài liệu tuyên truyền và giảng dạy trong các nhà trường. Đặc biệt là trong các tiết sinh hoạt ngoài giờ, chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mang đến những bài học giáo dục rất có ý nghĩa, qua đó giúp các em nâng cao ý thức thông qua những việc làm cụ thể như: Tự giác tiết kiệm tiền ăn sáng ủng hộ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập; thực hiện việc tắt điện khi ra về; giữ gìn vệ sinh trường lớp...

- Trung ương và Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao việc hằng năm huyện Đông Anh tổ chức tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 gắn với biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu. Hoạt động này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh xác định, việc tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác là đợt khen thưởng lớn nhất của Đảng trong năm. Hoạt động này được duy trì thành nền nếp, có tác dụng khích lệ phong trào học tập, công tác, lao động trong các cấp, ngành và toàn xã hội.

Trên mọi lĩnh vực đều xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, ví dụ có hộ gia đình trên địa bàn đã ủng hộ 1,5 tỷ đồng và hàng trăm mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới; chị Nguyễn Thị Luyến (thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn) đi đầu trong công tác nhân đạo từ thiện, tạo việc làm cho 12 hội viên phụ nữ giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện xây dựng 24 chi đoàn nông nghiệp kiểu mẫu; 518 hội viên cựu chiến binh huyện hiến 4.108 m2 đất, 6.515 ngày công để xây dựng nông thôn mới…

Tác động tích cực đến kết quả nhiệm vụ chính trị

- Từ thực tiễn, ông đánh giá như thế nào về tác động trong triển khai Chỉ thị 03 đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương?

- Trước tiên, việc cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ trị 03 đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy được vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đơn vị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ đó nâng cao ý thức thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và ý thức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, quản lý nhà nước; giải quyết có hiệu quả những vấn đề nóng trên địa bàn.

Thông qua việc học tập và làm theo tấm gương của Bác đã tạo chuyển biến về nhận thức trong xây dựng nông thôn mới. Từ việc coi đây là công việc của chính quyền, đến nay người dân đã coi đó là công việc của mình, phục vụ cho chính mình và nhân dân là người chủ trong quá trình xây dựng, thụ hưởng. Đã có 12 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện phấn đấu đến hết năm 2015 trở thành huyện nông thôn mới.

Tác dụng của việc đăng ký "làm theo" Bác đã góp phần phân công rõ trách nhiệm, rõ người rõ việc và đã có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết những tồn tại, bức xúc, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý nhà nước, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và GPMB…

- Đâu là bài học kinh nghiệm huyện Đông Anh đã đúc rút từ thực tế triển khai Chỉ thị 03 trong thời gian qua?

- Thông qua triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, chúng tôi đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó phải chú trọng đề cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện mà trước hết là sự gương mẫu, tự giác "làm theo" của người chủ trì, đứng đầu cấp ủy, ngành, đoàn thể, đơn vị. Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng chúng tôi vẫn còn những hạn chế. Một số xã chưa thật sự quan tâm coi trọng việc giải quyết những yếu kém, khuyết điểm kéo dài liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhân dân; chưa kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm nhất là về quản lý đất đai, trật tự xây dựng gây tâm lý bức xúc. Sự gắn kết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn có lúc, có nơi còn lúng túng. Đây là những hạn chế mà chúng tôi phải sớm khắc phục để học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự trở thành ý thức tự giác, nhu cầu tự thân của mỗi tập thể, cá nhân.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ việc nhỏ sẽ thu được hiệu quả lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.