(HNM) - Nhằm xây dựng xã hội học tập, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020” (Đề án).
Ít được quan tâm
Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện có 154 bảo tàng các loại; 588/707 (bằng 83,1%) quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa; hơn 40.000 câu lạc bộ đang hoạt động. Hệ thống thư viện, nhà văn hóa cơ bản phủ kín các xã, phường, trường học vùng đồng bằng. Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy chưa đủ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân cũng đã được tiếp cận với các nguồn thông tin, sách báo qua nhiều phương tiện khác nhau.
Để phát huy nguồn lực sẵn có, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% thư viện cấp tỉnh, 80% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã cung cấp dịch vụ internet miễn phí để người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết; 100% bảo tàng cấp tỉnh ký kết với Ngành GD-ĐT chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa, tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương tại bảo tàng; hệ thống nhà văn hóa và câu lạc bộ thu hút khoảng 60% số dân khu vực thành thị, đồng bằng và 40% số dân khu vực trung du, miền núi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, phục vụ cho mục đích học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết...
Người dân tìm hiểu thông tin qua sách, báo tại Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín).Ảnh: Thái Hiền |
Thế nhưng, đến tháng 10-2016, cả nước mới có 26/63 tỉnh, thành phố và duy nhất Bộ Công an xây dựng, triển khai thực hiện Đề án. Ngay cả các tỉnh, thành phố đã triển khai thì mức độ quan tâm của các địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Sau hơn 2 năm thực hiện, thành quả nổi bật được kể đến ở tỉnh Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng... là thư viện của các tỉnh này đã tổ chức hội nghị tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ học tập suốt đời tại các thiết chế văn hóa; phối hợp với các xã, trường học luân chuyển sách xuống cơ sở.
Trong hoạt động bảo tàng, một số địa phương xây dựng, điều chỉnh phòng trưng bày; tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chương trình giáo dục trong bảo tàng; đưa di sản tới công chúng qua hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề. Trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, các địa phương đã chủ động lồng ghép, hướng dẫn thực hiện Đề án tại nhà văn hóa, ví dụ tỉnh Lào Cai đưa 50 nhà văn hóa xã kết hợp làm trụ sở hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, 562 nhà văn hóa thôn làm phòng học của trung tâm học tập cộng đồng... Qua đó có thể thấy, việc thực hiện Đề án thường lồng ghép, kết hợp với các hoạt động chuyên môn khác của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, chưa có hoạt động nào được triển khai bài bản, rõ nét.
“Việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ là hướng đi đúng đắn. Nếu phát huy tốt, Đề án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Tiếc rằng, sau hơn 2 năm triển khai, các ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai Đề án này. Đáng nói hơn, một số nội dung của Đề án còn chậm tiến độ; tài liệu hướng dẫn chưa hoàn thành; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tư liệu chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động...”, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đánh giá.
Nhân rộng các mô hình điểm
Thực tế cho thấy, nơi nào Đề án được quan tâm, đầu tư, nơi đó có phong trào học tập trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa phát triển. Điển hình như huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), phụ huynh học sinh cùng các nhà trường trên địa bàn huyện xây dựng được hơn 900 tủ sách. Mô hình “tủ sách phụ huynh” đã được tỉnh Thái Bình nhân rộng ra toàn tỉnh, tạo thành phong trào phát triển văn hóa đọc sôi nổi, rộng khắp.
Tương tự, Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, với phương châm “sách đi tìm người”, năm 2014 tỉnh Phú Thọ bắt đầu thành lập các trạm sách vệ tinh và đưa sách đến các trạm sách. Đến nay, Phú Thọ có 30 trạm sách vệ tinh hoạt động trên địa bàn TP Việt Trì, thu hút đông đảo bạn đọc. Mong muốn sách đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố và phát triển các thiết chế văn hóa; cấp phương tiện xe ô tô, xây dựng kho lưu động cho các thư viện tỉnh và sách cho các thư viện miền núi, biên giới, hải đảo...
Với hệ thống bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Huỳnh Ngọc Vân nhận định, song song với công tác đổi mới trưng bày, triển lãm, hoạt động giao lưu với nhân chứng giúp cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nói riêng, hệ thống bảo tàng nói chung thêm phần hấp dẫn. Bởi lớp trẻ thường muốn được tiếp cận, lắng nghe những câu chuyện thật từ nhân chứng hơn là những lời giới thiệu khô khan. Đây cũng là quan điểm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, dự kiến cuối năm 2016, Bộ VH-TT&DL sẽ xuất bản và phân phối tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa. Năm 2017, Bộ sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức để các ngành, địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.