Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học tập để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Hiền Chi| 10/06/2023 13:07

(HNMO) - Sáng 10-6, tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Cùng dự Lễ phát động có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lễ phát động được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân, lấy học tập làm chìa khóa mở ra hướng đi để xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ như một khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với học sinh tại Lễ phát động phong trào Cả nước thi đua học tập. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Người người học tập, nhà nhà học tập, xã hội học tập

Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến động nhanh chóng, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao với mọi tình huống. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng. Lời căn dặn của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức xã hội và của từng người dân về vai trò của xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa. Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sự phát triển đồng đều…

Huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập. Khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết, đa dạng hóa nguồn lực để phát triển.

Xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của các Quỹ, Hương ước, Quy ước trong dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Thực hiện tốt chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”, học những nơi có thể, bất cứ nơi nào. Có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt, cách làm có hiệu quả, lan tỏa tấm gương sáng đến mọi người, đến cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả; tạo sự lan tỏa trong xã hội để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, thôn bản học tập, xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập, cả nước học tập. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, say mê học tập, đổi mới sáng tạo, học tập suốt đời. Coi trọng giá trị của tri thức, của hiểu biết, nhân văn, nhân ái, vị tha, của giá trị tinh thần, sống có mục tiêu, lý tưởng. Bảo đảm tri thức phải đi cùng với văn hóa và đạo đức, góp phần xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc Việt Nam; để cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.

Chúng ta phải chung sức đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập. Học tập bất cứ nơi nào, khi nào có thể, học tập tất cả các lĩnh vực. Học tập để hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ. Học tập để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Học tập để không tự ti, không tự mãn, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, để chứng minh dân tộc ta, đất nước ta không thua kém bất cứ dân tộc nào, đất nước nào trên thế giới - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, ứng dụng công nghệ đào tạo mở, từ xa, xây dựng thành phố học tập, nông thôn học tập; tiếp thu và phát triển những kiến thức mới trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ đã và đang thực sự là xu thế của thế giới.

Thủ tướng đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

“Tôi chính thức tuyên bố phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” , Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố đã phát biểu hưởng ứng phong trào.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu hưởng ứng phong trào.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan vui mừng chào đón sự kiện đầy ý nghĩa này và cho biết: “Chúng tôi coi cuộc thi đua do Thủ tướng phát động là dấu ấn quan trọng, là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập nhằm nâng cao dân trí, bồi đắp tri thức để phát triển bền vững, đưa đất nước phát triển bằng tri thức và bằng sức sáng tạo của tất cả nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch và phát động phong trào trong toàn hệ thống Hội với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm góp phần hoàn thành tốt những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, sau 18 năm triển khai thực hiện các Đề án “Xây dựng xã hội học tập” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Đề án giai đoạn 2012-2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Công tác khuyến học của Hà Nội đã đạt được những kết quả thiết thực. Tính đến năm 2022, toàn thành phố có 1,6 triệu hội viên Hội Khuyến học, đạt tỷ lệ 19,5% tổng dân số của Hà Nội; tỷ lệ “Gia đình học tập” đạt 67,4%; “Dòng họ học tập” đạt 59%, “Cộng đồng học tập” đạt 77%, “Đơn vị học tập” đạt 89%; mô hình “Công dân học tập” đang được xây dựng và nhân rộng, phấn đấu năm 2023, tỷ lệ “Công dân học tập” trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt 30%.

Ông Phạm Anh Tuấn nêu rõ: "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hưởng ứng và kêu gọi những người làm khuyến học, cán bộ, nhân dân của Thủ đô hãy đoàn kết, cùng nhau xây dựng một xã hội học tập bằng những việc làm vụ thể, thiết thực; để mỗi chúng ta đều trở thành công dân học tập, là một người biết tự học, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, vào nhiệm vụ chuyên môn. Tất cả chúng ta sẽ cùng xây dựng con đường tri thức rộng mở của đất nước Việt Nam phồn thịnh và phát triển hơn”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu hưởng ứng phong trào.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 theo các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Qua đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, bằng mọi biện pháp để đề án này đi vào thực tế và đem lại kết quả thiết thực.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu, và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đã nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn  2023-2030”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần phê duyệt các Đề án xây dựng xã hội học tập theo các giai đoạn 2005 - 2010, 2021 - 2020 và 2021 - 2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên. Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học tập để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.