Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học sinh tự điều khiển xe máy tới trường: Hậu quả khó lường!

Triệu Dương| 15/09/2020 17:11

(HNNN) - Vì lý do công việc, điều kiện gia đình, nhiều phụ huynh đã mua xe máy cho con tự đi học dù biết con chưa đủ điều kiện được cấp giấy phép lái xe. Hành vi này còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là khi các em bị kích động, a dua tụ tập, tham gia đua xe, lạng lách, đánh võng...

Muôn lý do vi phạm

Bước vào năm học mới, chị Nguyễn Thanh Dung (ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) thêm phần lo lắng về việc đi lại của ba người con - hai cô con gái một vừa đỗ đại học, một vào lớp 10 và cậu út học lớp 8. Chồng làm ở xa không thể đưa đón con, ba con học ở ba nơi, không có điều kiện đưa đón nhau nên chị Dung nghe theo “tư vấn” của các phụ huynh khác, mua xe máy cho con gái thứ 2 dù biết cháu chưa đủ tuổi đi xe máy, chưa thể có giấy phép lái xe.

Giống như chị Dung, nhiều phụ huynh cũng đành chọn “hạ sách” đó để giải quyết việc đi lại cho con em mình. Chị Vũ Thị Thu Hương (đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, nhà có 4 người mà chỉ có 1 chiếc xe máy nên khi con vào Trung học phổ thông (THPT), ông ngoại đã “viện trợ” cho chiếc xe Cup 82 để cháu tự đi học.

Dù biết là sai nhưng theo chị Hương “cũng chẳng còn cách nào” và mỗi lần con bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” hay nhà trường nhắc nhở chị lại “muối mặt” đi nộp phạt.

Vì nhiều lý do, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường khá phổ biến. Dạo qua một số cổng trường THPT ở trung tâm thành phố vào giờ đến lớp hay tan trường, có thể dễ dàng thấy không ít thanh thiếu niên mặc đồng phục học sinh tự điều khiển xe máy đi học dù các trường đã có lệnh cấm và không nhận gửi xe máy trong khuôn viên nhà trường.

Cháu N.T.P (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên), học sinh lớp 10 tại một trường ở quận Hoàn Kiếm cho biết, nhiều bạn chưa có giấy phép lái xe nhưng đã được bố mẹ cho sử dụng xe máy đi học vì không có người đưa đón, đi xe buýt thì luôn bị muộn học. Cũng theo N.T.P, hồi còn học Trung học cơ sở (THCS), không ít bạn học lớp 8, lớp 9 đã được bố mẹ mua cho xe máy để đi học thay vì đi xe đạp và xe đạp điện.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên) cho biết, bảo vệ nhà trường rất nghiêm, cương quyết không cho các em đi xe máy vào trường vì các em chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Nếu phát hiện học sinh đi xe máy, cô giáo chủ nhiệm sẽ liên hệ với phụ huynh để ngăn chặn.

Tuy nhiên, có lẽ chỉ lệnh cấm của nhà trường thôi thì chưa đủ. Bởi ở nhiều nơi, học sinh đối phó bằng cách gửi xe ở xa trường.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Từ 6h30 ngày 11-9, theo kế hoạch, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục ra quân xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường. Chỉ trong vòng 30 phút trước giờ vào lớp, tại khu vực phố Xốm, quận Hà Đông, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 10 đã xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm. Nhiều học sinh khi bị dừng xe còn ngơ ngác không hiểu vì sao, như trường hợp Nguyễn Đặng T, học sinh lớp 12, nhà ở phố Tô Hiệu (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) sử dụng xe máy Spacy 125cc của bố mẹ để đi học. Theo Đặng T, do không có ai đưa đi học nên bố mẹ để T sử dụng xe máy đi đến trường. Tương tự, Nguyễn Hồng A, học sinh lớp 11 ở phường Phú Lãm (quận Hà Đông) điều khiển xe máy Wave 110cc khi bị dừng xe vẫn nghĩ bố mẹ cho phép đi xe máy rồi nghĩa là mình không phạm luật.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.

Trung tá Nguyễn Cường, Đội Cảnh sát giao thông số 10 cho biết: Đa số trường hợp học sinh đi xe máy bị dừng xe có lỗi ban đầu là không đội mũ bảo hiểm. Khi kiểm tra, các cháu đều không có giấy tờ hợp lệ... Những trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện và cơ quan chức năng lập hồ sơ, phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo về nhà trường.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục triển khai các chuyên đề liên quan đến việc xử lý học sinh điều khiển xe máy đến trường. Kế hoạch này có sự phối hợp với cán bộ chuyên trách của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, đơn vị tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh các cấp học. Học sinh khối Tiểu học và THCS làm quen với các tình huống giao thông gần gũi, sinh động. Với học sinh THPT, Phòng Cảnh sát giao thông lồng ghép bài học về luật pháp thông qua các bức ảnh tuyên truyền để các em nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, kế hoạch tuyên truyền, vận động học sinh không điều khiển xe máy vẫn đang được triển khai với sự phối hợp giữa Phòng Cảnh sát giao thông và ngành Giáo dục Hà Nội. Cùng với giáo dục, tuyên truyền là thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm. 

Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh thông luật (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Việc phụ huynh nuông chiều, cho con em điều khiển xe máy quá sớm sẽ tạo cho các em thói quen xấu là không tôn trọng pháp luật. Khoảng cách từ việc không đội mũ bảo hiểm đến hành vi bỏ chạy khi công an ra hiệu lệnh dừng xe, đua xe, cổ vũ đua xe gây nguy hiểm cho cộng đồng... là rất gần. Phụ huynh không thể lấy lý do không thể đưa đón để cho con điều khiển xe máy tới trường. Nếu muốn để con tự đi học, người lớn có thể cho con đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Đây cũng là cách định hướng cho con mình về lối sống, nếp sống, cách ứng xử văn minh, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ tháng 3-2020 đến nay, đơn vị đã xử lý 42.814 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định hiện hành, trong đó có 230 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên. Cơ quan chức năng cũng xử lý 5.095 trường hợp vi phạm khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trong đó có 266 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh tự điều khiển xe máy tới trường: Hậu quả khó lường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.