(HNM) - Thông tin giá sách giáo khoa (SGK) sẽ được điều chỉnh tăng bình quân 16,9% vào đúng thời điểm hầu như mọi thứ đều tăng giá dường như không làm dư luận ngạc nhiên. Bởi giá SGK đã được giữ ổn định suốt từ năm 2008 đến nay mặc dù các yếu tố
Giá sách giáo khoa các cấp sẽ đồng loạt tăng khoảng 16,9%. Ảnh: Bá Hoạt
Giá SGK được giữ ổn định từ năm 2008 đến nay, trong khi giá giấy đã tăng 30%, lãi vay tăng từ 6%-8%/năm lên 18%/năm... Việc in SGK đã được đấu thầu và các nhà in trúng thầu cũng như Hiệp hội in Việt Nam đều đề nghị tăng giá in vì các đơn vị này đã bị lỗ khi in SGK. Trong tình hình đó, giá SGK hiện hành không đủ bù đắp chi phí, NXB Giáo dục cho biết đã phải dùng nguồn thu khác như cho thuê nhà, cổ tức, quản lý xuất bản... để bù đắp sự mất cân đối thu - chi của việc làm SGK. Cụ thể, năm 2010, doanh thu từ SGK là 520 tỷ đồng nhưng hạch toán lỗ 100 tỷ đồng và đến nay, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, NGƯT Ngô Trần Ái khẳng định : "NXB không còn khả năng tiếp tục bù lỗ cho SGK. Nếu tiếp tục bù lỗ, vốn Nhà nước ở NXB không được bảo toàn mà NXB cũng không còn khả năng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị là xuất bản - phát hành SGK đầy đủ, đồng bộ tới học sinh".
Vậy Nhà nước có thể bù lỗ cho SGK hay không ? Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Trần Ái cho biết: Đó cũng là phương án đã được tính tới. Phương án này có ưu điểm là giữ ổn định giá SGK nhưng không phù hợp với tình hình thị trường cũng như quy định về quản lý giá hiện hành, thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Chỉ điều chỉnh những gì buộc phải tăng
Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá bán SGK của NXB Giáo dục. Theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9-6-2008 của Chính phủ thì SGK do doanh nghiệp - NXB Giáo dục Việt Nam- quy định giá và thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Đơn vị này đã có hồ sơ đăng ký giá bán SGK với giá được điều chỉnh tăng bình quân của 193 đầu sách, theo số lượng in năm 2011 là 16,9%. Bộ tăng thấp nhất là SGK lớp 2 với mức tăng 6.400 đồng/bộ và cao nhất là SGK lớp 12 chương trình chuẩn, tiếng Anh với mức tăng 20.700 đồng/bộ. Những SGK in từ năm 2010 trở về trước vẫn giữ nguyên giá cũ. Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định việc điều chỉnh này được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Theo giải thích của Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam thì nếu tính đủ chi phí đầu vào theo mặt bằng giá hiện nay thì giá SGK cần phải điều chỉnh tăng từ 25% đến 30%. Nhưng vào thời điểm nhạy cảm này, NXB chỉ tính đến các yếu tố đầu vào buộc phải điều chỉnh theo biến động của thị trường, gồm 5 khoản giấy, công in, bao gói, hộp đựng, tem chống giả và chi phí lãi vay. 6 khoản cấu thành giá thành SGK còn lại như chế bản, nhuận bút, khấu hao tài sản cố định, lương, chi phí quản lý và bán hàng, NXB vẫn giữ ổn định như cách đây 3 năm. Đối với 5 chi phí buộc phải điều chỉnh, lãnh đạo NXB cho biết, đơn vị cũng đã tính toán các tác động làm tăng giá thành sản xuất khoảng từ 7% đến 18%, tùy theo số trang in, số màu in để căn cứ vào đó đề xuất mức tăng giá bán SGK. Mức tăng này được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá là phù hợp - xét trong mối tương quan với mức tăng của một số yếu tố đầu vào.
Mọi học sinh đều có SGK
Trên thực tế với các gia đình có mức sống trung bình trở lên, việc phải bỏ thêm vài nghìn đến vài chục nghìn đồng để mua SGK cho con học trong cả năm không phải là điều bất khả thi. Nhưng hiện vẫn còn một bộ phận gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn và với họ, vài chục nghìn đồng cũng là thêm gánh nặng.
"Không để một học sinh nào thiếu dù chỉ một cuốn SGK", Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái khẳng định. Cơ sở cho lời khẳng định này là hoạt động cấp phát trực tiếp SGK miễn phí cho học sinh là con thương binh, liệt sĩ; là việc giảm giá cho học sinh gia đình chính sách; là cuộc vận động quyên góp SGK cũ còn tốt cho học sinh vùng khó; mua SGK cũ để bán lại với giá gần bằng giá mua, bằng khoảng 30% giá bìa... Đây là những hoạt động thường niên của NXB trong nhiều năm qua. Thêm nữa, hệ thống tủ SGK dùng chung trong thư viện trường học, đặc biệt là vùng khó khăn, hiện được quan tâm đầu tư để học sinh có thể mượn SGK. Cách dùng sách này vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, cho xã hội, vừa góp phần giáo dục học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.