Hà Nội hiện có 8 trường phổ thông triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng Việt Nam - Anh quốc.
Ngày 4-4, tại Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội thảo về công tác triển khai đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Từ năm học 2017-2018 đến nay, Hà Nội có 2 trường trung học phổ thông triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc gồm Chu Văn An và chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ở cấp trung học cơ sở, có 7 trường thí điểm chương trình đào tạo song bằng, gồm: Khối trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân, Chu Văn An. Tính đến tháng 5-2023, toàn thành phố có gần 1.200 học sinh tham gia chương trình song bằng.
Hiện nay, đề án đang triển khai năm cuối cùng ở cấp trung học cơ sở; còn ở cấp trung học phổ thông sẽ triển khai đến hết năm học 2024-2025. Qua 7 năm triển khai, đề án đã đạt kết quả vượt trội.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh hệ song bằng được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, trong đó có tiếng Anh, nhiều kỹ năng khác cũng có điểm vượt trội. 100% học sinh xếp loại học lực giỏi, khá. Nhiều học sinh hệ song bằng là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Học sinh hệ song bằng cấp trung học cơ sở đã giành 62 giải quốc gia và 102 giải quốc tế. Còn học sinh hệ song bằng cấp trung học phổ thông đạt điểm A* và A, cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới. 100% học sinh hệ song bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả tốt.
Ý kiến của đại diện các nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh tại hội thảo đều khẳng định những ưu điểm nổi trội của chương trình đào tạo song bằng với học sinh thời gian qua, đặc biệt là những kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các ý kiến đều bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong quá trình triển khai có một số khó khăn, song nhìn chung đề án đã đạt mục tiêu, nhận được phản hồi tích cực, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nâng cao ở các trường công lập. Với mức học phí thấp hơn so với các trường ngoài công lập, hiệu quả đạt được cao hơn, đề án còn thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển theo đúng định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố Hà Nội.
Để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường hoàn thiện xây dựng đề án, trong đó, tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế tại trường công lập; đề xuất cơ chế tài chính bảo đảm nguyên tắc minh bạch, đúng quy định.
Các nhà trường cũng cần phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành mô hình quản lý mẫu mực, là nơi học tập, chuyển giao kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiên tiến giữa giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục Việt Nam và giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.