Không phải ngẫu nhiên mà tại các cuộc diễn đàn, tọa đàm
Sinh năm 1989, được kết nạp Đảng năm 18 tuổi, không chỉ nỗ lực học tập, rèn luyện tốt, Mai Thị Anh Đào (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) còn có hành động thiết thực đóng góp xây dựng quê hương mình đó là nghiên cứu, kêu gọi dự án đầu tư phát triển nghề truyền thống chiếu cói Nga Sơn.
Sinh ra, lớn lên và học tập ở quê hương, Đào luôn là người nổi trội, được thầy, cô giáo tin yêu, bạn bè quý mến. Qua quá trình phấn đấu, rèn luyện và được Đoàn bồi dưỡng, Đào đã được cấp ủy nhà trường làm thủ tục kết nạp Đảng khi tròn 18 tuổi (tháng 9-2007 khi đã là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội).
Đào cho biết, kể từ ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi luôn ý thức được mình không chỉ là một sinh viên, một đoàn viên, mà còn có trách nhiệm một đảng viên. Xác định trách nhiệm nặng nề hơn, bản thân không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn cả trong học tập, nghiên cứu khoa học và các phong trào, hoạt động tình nguyện của trường. Từ sự cố gắng đó, Đào đã vinh dự được nhận nhiều học bổng như Posco, Ngân hàng Maritime Bank và đại diện cho Trường ĐH Ngoại thương dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ I năm 2009.
Trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động xã hội, phong trào, Đào luôn trăn trở về nghề truyền thống của quê hương chiếu cói Nga Sơn đang dần bị mai một, phải hành động gì đó để giúp đỡ quê hương mình. Vì thế, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Đào đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào thực hiện dự án "Gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếu cói Nga Sơn, Thanh Hóa" và tham gia cộng tác cho dự án "Chỉ dẫn địa lý cói Nga Sơn". "Đây là trách nhiệm một đảng viên, một trí thức trẻ, với mong muốn phát triển một nghề truyền thống đang bị mai một", Đào chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.