Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và chữ Việt

Thanh Phong-Chí Thành| 24/03/2010 16:06

(HNMO)- Chữ Việt đã góp một phần to lớn tạo nên hồn Việt với sự độc đáo, tinh tế và sức mạnh biểu cảm to lớn. Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng tính đến ngày hôm nay, chữ Việt mới chỉ có hơn 100 tuổi, và một trong những người có công sức đóng góp nhiều vào sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ quốc hồn quốc tuý này là cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

(HNMO)- Chữ Việt đã góp một phần to lớn tạo nên hồn Việt với sự độc đáo, tinh tế và sức mạnh biểu cảm to lớn. Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng tính đến ngày hôm nay, chữ Việt mới chỉ có hơn 100 tuổi, và một trong những người có công sức đóng góp nhiều vào sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ quốc hồn quốc tuý này là cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Ghế tràng kỷ có bút tích của Nguyễn Văn Vĩnh

Hành trình của chữ Việt là một hành trình nhọc nhằn và hồn nhiên. Đầu thế kỉ 16 Việt Nam đang ở giai đoạn Nam Bắc triều. Năm 1533, những con thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Hà Lan tiến vào bờ biển Việt Nam, giáo sỹ đầu tiên bước chân lên bờ là Irigo người Bồ Đào Nha. Năm 1615 giáo sỹ Francesco Buzomi lập giáo đoàn Đàng trong. Năm 1627 Alexan de Rhodes lập giáo đoàn Đàng ngoài. Các nhà truyền giáo đã phiên âm tiếng nói của người bản địa theo hướng La tinh hóa với những câu phiên âm và câu viết đầu tiên rất ngô nghê và buồn cười, ví như: “bờ-lời” nghĩa là “trời” hay “Tờ-lem” nghĩa là địa danh Từ Liêm vậy.

Thăng Long cổ kính cũng như cả nước lúc bấy giờ vẫn chỉ biết một chữ viết duy nhất là Hán tự. Mãi tới khoảng năm 1645, chữ quốc ngữ cũng mới chỉ giống khoảng 45% chữ ngày nay.Thời kì xây dựng chữ quốc ngữ bắt đầu bằng cuốn sách Từ điển Annam của A. de Rhodes ra đời năm 1651 dựa trên hai công trình của các giáo sỹ A.Barbosa và G.Amiral. Hai ông đã có rất nhiều đóng góp vào việc xây dựng cấu trúc câu của chữ quốc ngữ.

Linh mục A. Rhodes mất năm 1660 để lại cơ sở cho những người kế nhiệm và người Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh chữ quốc ngữ. Công đầu thuộc về hai linh mục: Pigneau de Beshaine và J.L. Tarbet. Tuy thế trong xã hội nước ta lúc ấy, đó vẫn chỉ là một thứ chữ ít được biết tới. Thật may là một số văn thân trí sĩ vẫn âm thầm hướng về chữ quốc ngữ như là một thôi thúc văn hóa tự thân, mà một trong số đó chính là cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 1907, Tờ báo song ngữ Hán-Việt đầu tiên được phát hành ở Hà Nội: “Đăng cổ tùng báo”, mà Nguyễn Văn Vĩnh tham gia một cách nhiệt thành đã được các nhà lãnh đạo của Đông Kinh nghĩa thục chú ý và coi đó như một công cụ để cổ động cho phong trào Duy Tân, kêu gọi mọi người yêu nước, đoàn kết, bỏ lối học khoa cử và hủ tục phong kiến, theo lối học mới, mở mang phát triển công thương. Có thể xem như một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của hành trình chữ Việt khi tờ báo hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ mang tên “Đông Dương tạp chí” lần đầu tiên ra đời vào năm 1913 ở Hà Nội với những tên tuổi lớn như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính…

Tại nhà anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở ngõ Lương Sử C-Hà Nội, chúng tôi đã được chứng kiến không ít những tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh: các tác phẩm dịch thuật về văn học, triết học nổi tiếng của Trung Hoa, Pháp.. sang chữ quốc ngữ để đồng bào được đọc, trong đó có cả bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, và như thế liệu có thể nói không ngoa rằng, Nguyễn Văn Vĩnh đã là người đầu tiên đưa nàng Kiều ra nước ngoài. Anh Nguyễn Lân Bình còn chỉ cho chúng tôi xem bộ ghế tràng kỷ có bút tích cùng chữ ký của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đó thật sự là những hiện vật bảo tàng rất đáng quý mà Bảo tàng Hà Nội cần quan tâm sưu tầm.

Nguyễn Văn Vĩnh lúc sinh thời từng có câu nói nổi tiếng về sự phát triển của chữ quốc ngữ: “Tiếng nước ta còn, thì nước ta còn” hoặc “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Thật thế, và cũng vì vậy, bây giờ mỗi khi cầm bút hay ngồi trước những trang viết bằng chữ mẹ đẻ, có mấy ai lại không tưởng nhớ tới ông và những người như ông trong những bước đầu tiên của hành trình chữ Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và chữ Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.