Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động tình nguyện: Không thể nặng về hình thức

Nhóm PV Nội chính| 15/09/2013 06:08

(HNM) - Phong trào thanh niên tình nguyện tuổi trẻ Thủ đô còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cần được chấn chỉnh kịp thời…

LTS: Hơn 10 năm qua, kể từ khi phong trào thanh niên tình nguyện tuổi trẻ Thủ đô ra đời, với hàng loạt công trình, phần việc, hoạt động của tình nguyện viên Thủ đô như "Hành trình đỏ", "Giao thông xanh", "Tiếp sức mùa thi", "Ấm lòng nương bản"… đã để lại dấu ấn rõ nét trong dư luận xã hội. Phong trào tình nguyện không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, mà còn phát huy mạnh mẽ giá trị trong thu hút, tập hợp, giáo dục đoàn viên thanh niên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cần được chấn chỉnh kịp thời…

Bài 1: Bộc lộ nhiều "hạt sạn"

Tập trung mọi hoạt động hướng về cơ sở không chỉ là giao đầu việc cho cơ sở đăng cai mà còn phải có giải pháp đồng bộ, hoạt động thực chất, lan tỏa cho đoàn viên, đồng thời phải xem xét cơ sở có hưởng ứng và đoàn viên có tham gia không? Tổ chức, thiết kế hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên thanh niên. Muốn vậy, cán bộ đoàn phải gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên thì mới biết thanh niên đang cần gì ở Đoàn và Đoàn cần làm gì cho họ. Hoạt động không chỉ là một chiều mà cần phải biết lắng nghe và chia sẻ với suy nghĩ của đoàn viên…

Hoạt động tình nguyện cần phải sát thực tế, hiệu quả thay vì hô hào, hình thức. Ảnh: Đình Trân


Từ nhận thức, cách làm lệch chuẩn…

Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà, những vấn đề nêu trên là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ thành phố tới cơ sở thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, do tác động bởi nhiều nguyên nhân, một số hoạt động không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Một trong những chuyện gây xôn xao dư luận thời gian gần đây là sự việc hơn 1.000 đoàn viên tham gia xây dựng một công trình giao thông dài 700 mét ở địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất vào giữa tháng 7. Nhiều người cho rằng, đây là việc làm mang nặng tính hình thức, phô trương, lãng phí. Song căn nguyên sự việc không phải do quan điểm chỉ đạo, mà là do nhận thức chủ quan, sự vào cuộc thiếu sâu sát. Phó Bí thư Thành đoàn Trần Anh Tuấn "trần tình" trước công luận, việc huy động số lượng lớn đoàn viên như vậy là do mong muốn nhân sự kiện này để giáo dục cho đoàn viên tinh thần yêu lao động cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vẫn còn những ý kiến trái chiều, với giải thích đó tuy nhiên bài viết không bàn sâu về sự việc này. Điều chúng tôi muốn nêu là nếu như cách thức tổ chức, triển khai không phù hợp thì nhiều khi mục tiêu đặt ra và kết quả thu được hoàn toàn trái ngược.

Hiện nay hoạt động tình nguyện tồn tại khá nhiều "hạt sạn" trong nhận thức và cách làm, dẫn đến tình trạng hình thức, thiếu hiệu quả, thậm chí lãng phí. Phó Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng Vũ Đình Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, nhiều hoạt động tình nguyện không được duy trì thường xuyên, triển khai mang tính hình thức, thời điểm. Nhiều cơ sở đoàn tổ chức ra quân rầm rộ để cải tạo tuyến đường, kênh mương, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải… nhưng sau một thời gian các công trình trở lại nguyên trạng ban đầu. Thạc sỹ Nguyễn Đức Quang, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nêu, công tác tình nguyện hiện chưa gắn với chuyên môn, có thể thấy rất rõ trong những chương trình như "Ấm lòng nương bản", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới"… tại một số xã vùng cao, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên tình nguyện được huy động chỉ để giúp bà con thu hoạch lúa, ngô, hoặc đổ bê tông làm đường… Điều đó chưa phát huy được kiến thức chuyên môn của sinh viên vào các việc phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương. Đại diện Đoàn trường ĐH Thủy lợi cũng bày tỏ quan điểm về những mặt hạn chế của hoạt động tình nguyện tại chỗ như "Tiếp sức mùa thi", "Mùa hè xanh", "Hiến máu tình nguyện" hay các công trình, phần việc thanh niên có tình trạng chạy theo hình thức, hoặc làm mang tính thời vụ, bề nổi mà thiếu chiều sâu. Sinh viên tham gia với tư tưởng tụ tập, vui chơi, thái độ thiếu nghiêm túc, thụ động, thiếu nhiệt tình…

Nhiều cán bộ đoàn khi được hỏi về những hạn chế của hoạt động tình nguyện hiện nay đã thẳng thắn chỉ rõ, phổ biến nhất là việc nhiều đội viên tình nguyện suy nghĩ lệch chuẩn về công việc này. Một số người cho rằng tham gia tình nguyện như một cuộc chơi, hoạt động dã ngoại, là dịp để thể hiện với bạn bè, người thân về sự năng động của bản thân, một số khác tham gia tình nguyện chỉ vì động cơ cá nhân, với mong muốn được cộng điểm, hoặc "tô" cho đẹp hồ sơ đi du học hoặc xin việc sau này.

Đến khiếm khuyết của những "nhà tổ chức"

Điều đáng chú ý là ngay cả trong đội ngũ cán bộ đoàn, những người được giao nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn hoạt động tình nguyện cũng xuất hiện tư tưởng sai lệch hay nói cách khác là khiếm khuyết về mặt nhận thức. Sinh viên Nguyễn Phương Đông, Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao cho biết, không đồng tình với việc đoàn tình nguyện rình rang kéo nhau về một địa phương, trong khi cả cán bộ và tình nguyện viên không được biết cụ thể được phân công làm gì nên lúng túng, thiếu phương tiện làm việc, dẫn đến hiệu quả công việc được chăng hay chớ. Các chuyến tình nguyện xa, thậm chí là ở ngoài nước cũng rơi vào cảnh tương tự. Ví dụ cụ thể là một chuyến tình nguyện trên nước bạn Lào: Trong khi nhiều tình nguyện viên thấy tiếc nuối, áy náy vì một trong 4 ngày tại địa phương nước bạn hoạt động bị "đóng băng" do thời tiết không tốt, thì một số cán bộ hồn nhiên cho rằng, đã là tình nguyện thì hiệu quả được đến đâu hay đến đó, không nên cầu toàn, hay cân đong đo đếm hiệu quả thế này, thế kia. Thậm chí, người được giao nhiệm vụ dẫn đoàn bác sĩ tình nguyện chuyến đó còn "đúc kết", kết quả tình nguyện là "ăn may", nếu thời tiết tốt, kết quả sẽ cao, thời tiết xấu thì phải chấp nhận kết quả thấp.

Rõ ràng, hiệu quả hoạt động tình nguyện phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của những "nhà tổ chức". Nhận thức sai, thiếu đúng đắn đương nhiên dẫn đến hệ quả xấu, đó là hành động, việc làm tùy tiện, thiếu nghiêm túc, không tính đến hiệu quả. Như vậy có thể khẳng định, công tác tình nguyện cần được "xốc" lại ngay từ nhận thức, cần quán triệt tốt về chủ trương, tôn chỉ, mục đích, thậm chí cần có cơ chế quy trách nhiệm cho những "nhà tổ chức". Có như vậy mới loại bỏ được tình trạng tình nguyện theo mùa, chạy theo hình thức, thành tích…

Chiến dịch mùa hè thanh niên tình nguyện Thủ đô năm 2013 vừa qua, để lại những con số ấn tượng, khẳng định tầm quan trọng và hiệu quả của hoạt động tình nguyện trong đội ngũ đoàn viên, thanh niên Thủ đô. 953 đội hình tình nguyện được thành lập, thu hút 23.000 tình nguyện viên tham gia ở nhiều nội dung, góp phần triển khai hiệu quả 887 công trình thanh niên; xây dựng 4 sân chơi, xây mới 22 ngôi nhà, sửa chữa 86 Nhà tình nghĩa, Nhà nhân ái; tổ chức cho gần 10.000 lượt người tình nguyện tham gia hiến 8.516 đơn vị máu. Đặc biệt, 650 đội hình "Tiếp sức mùa thi" thu hút hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia, hỗ trợ giúp đỡ 320.000 thí sinh và người nhà được thuê trọ giá rẻ hoặc miễn phí, đưa đón miễn phí...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tình nguyện: Không thể nặng về hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.