(HNM) - Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, vì giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, qua đó tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa, đầu tư thích đáng cho hoạt động này.
Thành công bước đầu
Thực tế đã chứng minh, hoạt động R&D trong doanh nghiệp sẽ giúp tăng cường năng lực công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Tạ Việt Dũng thông tin, thời gian qua, Nhà nước đã triển khai giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã đầu tư mạnh mẽ, thành lập các trung tâm R&D hiện đại, quy mô lớn và đã đạt được những thành công bước đầu rất khả quan.
Điển hình như Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam với các nhà máy sản xuất điện thoại, sản xuất hàng gia dụng và 220 triệu USD xây dựng riêng một Trung tâm R&D tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Đây là tòa nhà đầu tiên được Samsung Electronics xây dựng ở nước ngoài, nhằm phục vụ hoạt động R&D của tập đoàn, sẽ thu hút khoảng 3.000 kỹ sư tới làm việc và không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới, như:
Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G.
Các “ông lớn” khác, như: LG, Panasonic, Toshiba… cũng chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Qualcomm - một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á tại Hà Nội, với quy mô 4 phòng thí nghiệm (lab), tập trung vào những công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay, như: Sóng radio 4G/5G, camera; một phòng chuyên nghiên cứu cải thiện hiệu năng và pin cho thiết bị di động; một phòng giả lập môi trường mạng để phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu.
Một ví dụ tiêu biểu khác là Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nhiều năm liên tiếp thực hiện việc trích 20% lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, doanh nghiệp đã thành lập Trung tâm R&D từ năm 2011. Hằng năm, công ty cho ra đời những sản phẩm mới đột phá, ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếu sáng nhân tạo, duy trì tăng trưởng doanh thu trong 10 năm qua là 13%/năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cũng đầu tư thích đáng cho R&D, chú trọng mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ. Trong đó, Vinaseed hiện đã hình thành 3 trung tâm nghiên cứu và 2 phòng công nghệ sinh học. Từ một đơn vị chỉ kinh doanh giống lúa phổ thông, đến nay, Vinaseed trở thành doanh nghiệp có tiềm lực khoa học, công nghệ hàng đầu Việt Nam, sản xuất ra sản phẩm gạo thuộc nhóm ngon nhất thế giới.
Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức
Vai trò của R&D trong phát triển dài hạn của doanh nghiệp là rất rõ, tuy nhiên lại đòi hỏi chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài.
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Do tiềm lực và tầm nhìn hạn chế, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không có hoạt động R&D, mà thường được lồng vào một trong các bộ phận khác, như bộ phận sản xuất, bán hàng… Hoạt động R&D chỉ diễn ra riêng lẻ dưới dạng nhiệm vụ đột xuất để giải quyết vấn đề phát sinh trong sản xuất, không mang tính hệ thống.
Bên cạnh đó, việc tồn tại một số “rào cản” về quy định pháp lý cũng khiến những doanh nghiệp đã trích lập Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ hằng năm, nhưng không giải ngân được. Ngoài ra, do khó tiếp cận nguồn vốn vay, nên 86% doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có cho hoạt động R&D; chưa kể do thị trường khoa học, công nghệ chưa phát triển, nên doanh nghiệp dù muốn đầu tư cũng vẫn gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy hoạt động R&D trong doanh nghiệp, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Về phía Nhà nước, cần có những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng... Song song đó, cần có các cơ chế “mồi”, nhằm đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp; khuyến khích thành lập, phát triển những tổ chức trung gian về tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ bằng những hình thức hỗ trợ, ưu đãi thuế hay tín dụng. Về phía doanh nghiệp, cần chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức để đầu tư thích đáng cho hoạt động R&D; chủ động cải tiến các công nghệ của riêng mình, kết hợp với các nhà khoa học để hấp thụ công nghệ tốt, phù hợp.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động R&D trong doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.