Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động kinh doanh karaoke: Quá nhiều sai phạm

Minh Ngọc| 03/11/2016 06:21

(HNM) - Vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở karaoke 68 - Trần Thái Tông (Cầu Giấy) ngày 1-11 để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận bàng hoàng. Nhìn vào con số 23 vụ hỏa hoạn từ đầu năm đến nay tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên cả nước càng cho thấy, thực tế hoạt động và công tác quản lý loại hình kinh doanh này đang tồn tại quá nhiều bất cập.

Vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Bá Đô

Lực lượng cứu hỏa khống chế đám cháy


Kiểm tra... ra vi phạm

Cùng Đoàn liên ngành của UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, karaoke, vũ trường trên địa bàn một số quận, huyện thời gian qua, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, phía sau hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa này tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Bất cập lớn nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không bảo đảm. Tại thời điểm kiểm tra (11h30 ngày 26-10), cơ sở karaoke Palace ở 135 - Nghi Tàm, quy mô vào loại lớn nhất quận Tây Hồ, không có bảng, biển, tiêu lệnh PCCC, không có lối thoát hiểm. Đại diện cơ sở kinh doanh chỉ xuất trình được biên bản kiểm tra PCCC từ năm 2012, không có biên bản nghiệm thu về PCCC. Kiểm tra cơ sở New Star, ở tổ 36, hồ Điều Hòa, phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) vào 11h ngày 28-10, cũng không thấy tiêu lệnh PCCC, trong khi thực đơn các món ăn và đồ uống được dán trang trọng ở những vị trí trung tâm. Qua kiểm tra 85 lượt cơ sở kinh doanh karaoke ở quận Cầu Giấy từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 phát hiện và xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền 29,4 triệu đồng.

Ngoài chưa đủ điều kiện về PCCC, nhiều cơ sở karaoke còn treo biển hiệu vượt kích thước quy định, trang trí hệ thống đèn chiếu sáng chằng chịt, ảnh hưởng cảnh quan chung, cản trở quá trình thoát hiểm và nguy cơ gây cháy, nổ cao. “Những vụ cháy nổ gây thương tâm thời gian qua tại các quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố đều có phần nguyên nhân từ việc PC&CC không bảo đảm, thiếu lối thoát hiểm, biển hiệu che kín mặt tiền nhà...” - ông Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 3 (Cảnh sát PC&CC Hà Nội) nhấn mạnh.

Theo quy định, điều kiện cần và đủ để một cơ sở karaoke hoạt động là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC, biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy phép kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cơ sở karaoke hiện chưa bảo đảm điều kiện tối thiểu, hoạt động không phép, sai phép, không thực hiện đầy đủ quy định về an ninh, trật tự… Một điều rất đáng quan tâm là thiết kế của các ngôi nhà kinh doanh dịch vụ này - để bảo đảm cách âm (và dễ kiểm soát !?) không ít cơ sở đã thiết kế xây kín bưng không hề có cửa sổ ở mỗi phòng; cả tòa nhà là một "lô cốt" kín đặc. Vì thế khi xảy ra hỏa hoạn, nếu từ tầng 1 cháy lên - thì người không có đường thoát hiểm, mà công tác chữa cháy cũng rất khó khăn. Kết cấu của quán karaoke vừa bị cháy là một trong những kết cấu "lô cốt" đầy nguy hiểm kiểu này.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Theo đánh giá của lực lượng kiểm tra liên ngành thành phố, phần lớn cơ sở karaoke đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là các cơ sở nhỏ và vừa, các hộ gia đình vừa ở, vừa kinh doanh hoặc chuyển đổi từ nhà ở sang kinh doanh, chưa đáp ứng được các điều kiện về PCCC. Vấn đề này do “lịch sử” để lại, cần có thời gian, lộ trình giải quyết để tránh thiệt hại cho người kinh doanh và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cách lý giải này chỉ đúng một phần, bởi trên thực tế có nhiều cơ sở mới xây dựng, vừa đi vào hoạt động vẫn cố tình coi nhẹ công tác PCCC. Ông Hoàng Hồng Hải, chủ cơ sở karaoke Royal Club tại số 31, đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy) cho hay: “Đầu tư trang thiết bị và hệ thống PCCC bảo đảm chiếm khoảng 20% tổng số vốn đầu tư cơ sở vật chất kinh doanh karaoke, lại không mang đến lợi nhuận trực tiếp nên không phải ai cũng chủ động xây dựng. Năm 2015, cơ sở của chúng tôi bị “bà hỏa” ghé thăm, thiệt hại vài tỷ đồng. Phải trả cái giá quá đắt, tôi mới nhận ra mức độ quan trọng của hệ thống PCCC. Do vậy, khi đầu tư xây dựng lại, tôi quan tâm đến hệ thống PCCC đầu tiên”.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, riêng trên địa bàn Hà Nội xảy ra 6 vụ.


Về việc để các cơ sở karaoke không phép, sai phép ngang nhiên hoạt động, các địa phương lý giải do mức xử phạt vi phạm hành chính hiện quá nhẹ, thiếu tính răn đe. Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa quy định rõ, hành vi kinh doanh karaoke không có giấy phép, ngoài phạt tiền còn phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu các cơ sở kinh doanh karaoke để xảy ra tình trạng sử dụng ma túy, đánh bạc, cá độ… sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh không thời hạn. Tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 75, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động karaoke tuy tăng lên, song lại không có các hình phạt bổ sung, khiến rất nhiều cơ sở “nhờn luật”.

Ông Trịnh Văn Chiến, Đội trưởng Đội quản lý hành chính (Công an quận Cầu Giấy) cho biết, các cơ sở karaoke không phép, sai phép, biến tướng hoạt động rất tinh vi. Thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, họ thường không hợp tác hoặc đánh động cho các cơ sở khác biết để “trốn”. Cá biệt như cơ sở karaoke ở số 22, lô 13, đường Trung Yên, phường Yên Hòa (Cầu Giấy) bị lực lượng công an xử lý vi phạm tới 3 lần, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Khi bị yêu cầu đóng cửa, cơ sở này không chấp hành, buộc Công an Cầu Giấy và Công an phường Yên Hòa có thời điểm phải thay phiên nhau chốt trực cả ngày lẫn đêm. Còn theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ), việc xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh tại 14 cơ sở "hát cho nhau nghe" trên địa bàn phường vượt quá khả năng của chính quyền cơ sở. Hiện chưa có quy định nào về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa đối với quán cà phê ca nhạc, giải khát, nên phường Nhật Tân phải xử lý theo quy định về an ninh trật tự. “Các cơ sở này hoạt động rất phức tạp, nếu không sớm có chế tài xử lý đủ mạnh sẽ khó quản lý” - ông Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có hơn 1.000 cơ sở karaoke và trên địa bàn cả nước có hàng vạn cơ sở karaoke đang hoạt động. Loại hình kinh doanh có điều kiện này khá nhạy cảm, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp “mạnh” để đưa dịch vụ karaoke vào hoạt động nền nếp, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kinh doanh karaoke: Quá nhiều sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.