Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp: Chuyển biến mạnh về chất lượng

Việt Tuấn| 03/04/2018 07:09

(HNM) - Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND các cấp TP Hà Nội đã được kiện toàn nhân sự, tổ chức bộ máy theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.


Phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội nhận được sự quan tâm của cử tri và người dân thành phố. Ảnh: Nhật Nam


Đổi mới toàn diện

Ngay sau thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp thành phố đã nhanh chóng sắp xếp, ổn định tổ chức, bộ máy và triển khai các hoạt động theo quy định của luật. So với nhiệm kỳ trước, bộ máy HĐND cấp huyện, xã được quy định cụ thể hơn, với việc thêm các ban chuyên môn làm công tác tham mưu cho thường trực chuẩn bị kỳ họp, giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri...

Ngoài ra, trên cơ sở thực hiện Đề án 04/ĐA-TU ngày 19-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016”, HĐND thành phố đã chú trọng tổ chức giao ban chuyên đề với HĐND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nhằm trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; kỹ năng giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân...

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, bước sang nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động kỳ họp của HĐND các cấp tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp thường kỳ; các quận, huyện, thị xã tổ chức 158 kỳ họp thường kỳ và không thường kỳ; các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 2.713 kỳ họp thường kỳ và không thường kỳ, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của luật. HĐND thành phố đã ban hành 67 nghị quyết. HĐND quận, huyện, thị xã ban hành 1.017 nghị quyết. HĐND xã, phường, thị trấn ban hành 12.393 nghị quyết. Các nghị quyết HĐND sau khi được ban hành đã được UBND các cấp nhanh chóng triển khai đến các cấp, ngành, đơn vị kinh tế và nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được chú trọng đổi mới. Ngoài tổ chức giám sát chuyên đề, HĐND các cấp còn đổi mới giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp đều mời lãnh đạo các ngành, lĩnh vực cùng cấp tham dự, trao đổi, trả lời, thông tin đến cử tri, công dân các vấn đề liên quan...

Lan tỏa cách làm mới

Đáng chú ý, sự đổi mới của HĐND TP Hà Nội trong công tác giám sát, tổ chức phiên chất vấn, phiên giải trình đã lan tỏa đến HĐND cấp huyện, cấp xã. Hầu hết HĐND cấp huyện đều học tập, áp dụng cách thức, phương pháp tổ chức phiên chất vấn, phiên giải trình khá thành công.

Cụ thể, đối với HĐND thành phố, phiên chất vấn và giải trình được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, thì ở cấp huyện, xã đều tổ chức truyền thanh trực tiếp. Ở cấp thành phố, các đại biểu được xem phóng sự truyền hình thay vì nghe báo cáo để có nhiều thời gian chuẩn bị chất vấn thì một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Phúc Thọ... cũng áp dụng cách làm này. Có nơi còn mời cử tri tham dự để nắm thông tin trực tiếp tại kỳ họp.

Trong đó, học tập cách làm của thành phố, HĐND huyện Phú Xuyên đã tổ chức thành công 5 phiên giải trình về các lĩnh vực thuế, nợ đọng thuế; quản lý đất đai; giải quyết khiếu nại tố cáo; xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, phiên chất vấn tại các kỳ họp của HĐND huyện được dành 1 ngày thay vì nửa ngày như trước đây. “Nhiều cán bộ chủ chốt xem phóng sự chiếu tại các phiên chất vấn, giải trình đều tự soi và tự sửa những hạn chế, khuyết điểm của địa phương, đơn vị mình” - Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho hay.

HĐND huyện Thanh Oai cũng chú trọng đổi mới công tác tổ chức kỳ họp, phiên chất vấn được truyền thanh trực tiếp đến toàn bộ cử tri trong huyện, tập trung vào vấn đề bức xúc, như: Ô nhiễm môi trường, nguồn nước; sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thu gom rác thải; quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Tương tự, ở HĐND huyện Phúc Thọ, tất cả các văn bản trình bày tại kỳ họp đều được rút gọn, dành thời gian cho thảo luận.

Kinh nghiệm cho thấy, để tạo sức lan tỏa trong hoạt động HĐND các cấp TP Hà Nội là nhờ Thường trực HĐND, các ban HĐND thành phố thường xuyên giữ mối liên hệ với Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp huyện, cấp xã thông qua báo cáo, giao ban hằng quý và tổ chức hội nghị chuyên đề. Nhờ đó, công tác phối hợp giữa HĐND các cấp luôn thông suốt; những vướng mắc, khó khăn được giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp: Chuyển biến mạnh về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.