Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời": Bài học lịch sử trực quan, sinh động

Nguyễn Thanh| 12/01/2020 07:36

(HNM) - Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 - Cục Văn thư lưu trữ nhà nước tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, mang đến cho người xem những thông điệp quý giá về quá trình hình thành, phát triển cũng như những đổi thay của thành Hà Nội...

Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời” giới thiệu gần 100 tư liệu bản đồ, bản vẽ... khái quát về quá trình đổi thay của Hoàng thành Thăng Long trong giai đoạn 1802-1945.

Dấu xưa thành Hà Nội

Hai tấm ảnh về điện Long Thiên thời Nguyễn và thời Pháp trong khuôn khổ triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời” cho khán giả thấy những thay đổi rõ rệt của công trình qua các thời kỳ lịch sử. Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hoài cho biết, điện Long Thiên tiền thân là điện Kính Thiên - công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi tiếng thời Lê, được các vua nhà Nguyễn chọn là hành cung mỗi khi ngự giá Bắc tuần. Các tài liệu lưu lại cho thấy, lần ngự giá Bắc tuần đầu tiên của vua Gia Long kéo dài từ ngày 4-8-1803 đến 8-2-1804 (âm lịch) và lần cuối cùng là dưới thời vua Khải Định năm 1918.

“Trong giai đoạn này, dù thành Hà Nội (tên do vua Minh Mạng đặt) không còn giữ vị trí trung tâm song vẫn đóng vai trò chính trị quan trọng, là nơi tổ chức đại lễ bang giao, các lễ tiết quốc gia và nơi ở của các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du tìm hiểu đời sống của dân chúng, kiểm tra quan lại địa phương” - bà Nguyễn Thu Hoài thông tin.

Điện Long Thiên tồn tại đến năm 1886 thì bị phá bỏ. Nền điện cũ trở thành trụ sở Ban Chỉ huy pháo binh quân đội Pháp vào năm sau đó. Các tư liệu, hình ảnh trưng bày tại triển lãm chỉ ra, nửa cuối thế kỷ XIX vào các năm 1873 và 1882, quân đội Pháp 2 lần đánh chiếm thành Hà Nội. Sau thời gian 1883-1888 với sự tồn tại song song 2 chính quyền: Triều đình nhà Nguyễn và Pháp, ngày 3-10-1888, Hà Nội chính thức trở thành nhượng địa của Pháp, theo Dụ của vua Đồng Khánh. Lúc này, thành Hà Nội chịu sự can thiệp sâu sắc của người Pháp khi Pháp cho cải tạo, phá bỏ các công trình cũ bên trong thành, đồng thời xây dựng các công trình mới vì mục đích quân sự.

Say sưa tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh tại triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời”, ông Nguyễn Anh Dũng (Ngọc Hà, Ba Đình), chia sẻ: "Tôi rất xúc động với những thông tin quý giá được giới thiệu tại đây. Triển lãm cho người xem cái nhìn bao quát và chân thực về những biến đổi của một công trình biểu tượng gắn với bao thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội".

Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động triển lãm, trưng bày

Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời” giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu bản đồ, bản vẽ, hình ảnh tiêu biểu, khái quát về quá trình đổi thay của Hoàng thành Thăng Long trong giai đoạn 1802-1945, với hai phần, gồm: Nhà Nguyễn với thành Thăng Long và người Pháp với thành Hà Nội. Triển lãm cũng là lần đầu tiên, nguồn tài liệu đa dạng và phong phú của Châu bản triều Nguyễn được công bố tại không gian di sản hoàng thành, kết hợp với các tài liệu tiếng Pháp về thành Hà Nội. Mở cửa từ ngày 23-11, đến nay triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khán giả đến tham quan, tìm hiểu.

Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: “Nguồn tư liệu đồ sộ, quý giá trưng bày tại triển lãm phản ánh sinh động và chân thực quá trình tiếp biến về cấu trúc cũng như công năng sử dụng của không gian Hoàng thành Thăng Long dưới thời Nguyễn và thời Pháp. Không chỉ vậy, triển lãm cũng cho thấy giai đoạn lịch sử đầy biến động của Hà Nội và đất nước, với những con người, địa danh đã đi vào sử sách”.

Có thể kể đến các tài liệu liên quan đến những cuộc chiếm thành Hà Nội của quân đội Pháp, công bố một số bản phụng Thượng Dụ của Cơ mật viện thời Tự Đức năm 1873, như: Văn bản ngày 15-10 truyền Dụ kêu gọi nhân dân, hào kiệt chiêu mộ sức người, sức của, đồng tâm hiệp lực sớm lấy lại thành Hà Nội; văn bản ngày 6-10 cho Nguyễn Tri Phương (Tổng đốc thành Hà Nội khi đó) tập hợp quân sĩ, tìm cách chiếm lại thành Hà Nội... Qua những tài liệu này, những người yêu Hà Nội thấy được quá trình quân và dân thành Hà Nội đối mặt với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, sự phản kháng của quan quân giữ thành trong các lần quân giặc đánh chiếm.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, triển lãm thêm một lần khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa quý báu của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu tìm hiểu về thành Hà Nội, đồng thời là bài học lịch sử trực quan, sinh động cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu về diễn tiến lịch sử trên mảnh đất mình đang sống.

“Sự đón nhận của công chúng cho thấy hiệu quả của quá trình hợp tác, chia sẻ, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật lưu trữ giữa hai đơn vị Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 - Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động triển lãm, trưng bày tại các bảo tàng, di tích”, ông Trần Việt Anh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời": Bài học lịch sử trực quan, sinh động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.