Đô thị

Hoàn thiện Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội: Bảo đảm yêu cầu chất lượng

Bảo Hân 07/07/2024 - 06:16

Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn hoàn thiện. Các ý kiến tham gia, góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ được tiếp thu, giải trình, tổng hợp, báo cáo để hoàn chỉnh quy chế, bảo đảm yêu cầu chất lượng trước khi trình UBND thành phố Hà Nội ký ban hành theo thẩm quyền.

1(2).jpg
Thiết lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội giúp bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô, hướng đến phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, bền vững. Ảnh: Minh Quân

Bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại

Bên cạnh hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị, theo Luật Kiến trúc năm 2019, quy chế quản lý kiến trúc đô thị có vai trò rất quan trọng. Quy chế là công cụ hữu hiệu để quản lý đồng bộ các giá trị quỹ kiến trúc, đồng thời phát huy hệ thống các giá trị này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với riêng Thủ đô Hà Nội, theo kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng), việc thiết lập bộ quy chế quản lý kiến trúc cho thành phố Hà Nội là yếu tố quan trọng và tiên quyết trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị.

“Ngày 2-7 vừa qua, tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội. Đây là bước quan trọng đánh dấu quá trình hoàn thiện và thông qua quy chế này”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương nhận định.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội sẽ giải quyết những bất cập sau 9 năm triển khai Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại.

Được UBND thành phố Hà Nội giao lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cơ bản hoàn thành phần thuyết minh và dự thảo quy chế, hiện đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Theo dự thảo, Quy chế gồm 4 chương, 17 điều và 9 phụ lục, quy định về quản lý kiến trúc cho những khu vực, tuyến đường; xác định yêu cầu bản sắc văn hóa trong kiến trúc; xác định khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng, tuyến phố, khu vực cần ưu tiên chỉnh trang, khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù...

pho-ta-hien-quan-hoan-kiem-mot-trong-nhung-con-pho-mang-net-kien-truc-rieng-cua-ha-noi..jpg
Phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm), một trong những tuyến phố mang nét kiến trúc riêng của Hà Nội.

Nhận diện các giá trị kiến trúc đặc trưng của Thủ đô

Theo kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, một trong những nội dung quan trọng cần được nhấn mạnh chính là nhận diện các giá trị bản sắc kiến trúc cảnh quan, văn hóa - lịch sử đặc trưng của Thủ đô, đặc biệt là hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị, mang dấu ấn bản sắc đô thị nhưng chưa được xếp hạng, đang có dấu hiệu xuống cấp và mai một. “Công việc này cần được triển khai kỹ lưỡng, bài bản, với sự tham gia của cả đội ngũ chuyên gia và cộng đồng”, ông Phạm Hoàng Phương nêu.

Trong báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân nêu, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội cần làm rõ hơn giữa nội dung về quản lý kiến trúc và quản lý kiến trúc cảnh quan. Một nhiệm vụ quan trọng khác là Quy chế cần nhấn mạnh nội dung về giữ quỹ đất cho phát triển công viên, hành lang xanh, không gian xanh đô thị...

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, quan điểm lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội là tuân thủ quy định Luật Kiến trúc năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; phù hợp định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Với các nội dung góp ý, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh thuyết minh và dự thảo quy chế. Ngày 19-6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, góp ý, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tiếp thu, hoàn thiện công cụ quản lý kiến trúc, cảnh quan Thủ đô, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm:
Nhận diện giá trị di sản đô thị Thủ đô

792bc5ad307e9f20c66f.jpg

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội. Như vậy, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố đang được xây dựng dựa trên nền tảng đã có từ nhiều năm qua.

Hiện nay, sau khi 2 quy hoạch lớn của Thủ đô vừa được Bộ Chính trị kết luận và Quốc hội cho ý kiến, thành phố đã có đủ cơ sở để hoàn thiện dự thảo quy chế. Sau khi được phê duyệt, đây là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, cấp phép xây dựng, đồng thời là căn cứ lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết. Một trong những nội dung cần lưu ý là nhận diện lại giá trị di sản đô thị Thủ đô; thống nhất về tiêu chí các công trình kiến trúc có giá trị về văn hóa, lịch sử, gắn bó với người dân Thủ đô.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội Lã Hồng Sơn:
Quan tâm quản lý kiến trúc nông thôn

638558116007279309-la-hong-son(1).jpg

Theo tôi, bên cạnh phần đô thị cần nhấn mạnh và chú trọng đến khu vực nông thôn. Năm 2022, Thủ đô Hà Nội có 8,4 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm 49,1%, khu vực nông thôn 50,9%. Tại 17 huyện có 2.183 thôn, xóm, điểm dân cư nông thôn (không bao gồm các thị trấn). Trung bình mỗi xã có 5,8 thôn, xóm, điểm dân cư nông thôn. Do đó, nếu kiến trúc nông thôn không sớm được quản lý sẽ làm mai một những giá trị riêng có. Nhiều yếu tố truyền thống có giá trị cần có giải pháp bảo vệ kịp thời và cấp bách, như cây đa, giếng nước, đình làng, nhà thờ, đền, miếu, bến nước, không gian sinh hoạt cộng đồng, sân bóng, chợ làng...

Việc sớm xây dựng và ban hành các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quy chế quản lý kiến trúc các điểm dân cư nông thôn sẽ góp phần giải quyết tổng thể các vấn đề về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đối với cả khu vực đô thị và nông thôn của Thủ đô.

Bà Nguyễn Huyền Linh (Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên):
Quy định thống nhất, hài hòa về vật liệu xây dựng

638558116008839479-a71b8aa2ea8c48d2119d.jpg

Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội nên đưa ra các quy định thống nhất, hài hòa về màu sắc, vật liệu hoàn thiện các công trình xây dựng. Các công trình xây mới hoặc chỉnh trang, cải tạo phải bảo đảm mỹ quan, an toàn, phù hợp với không gian… Với phần vỉa hè, chỉ nên làm mới, cải tạo vỉa hè các tuyến phố khi đã xuống cấp để tránh lãng phí. Việc cải tạo chỉnh trang được thực hiện đồng bộ, ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từ cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng. Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về màu sắc, vật liệu hoàn thiện hè đường, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, việc xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu tại Hà Nội cần sớm được tổng kết để rút kinh nghiệm. Bởi sau nhiều năm triển khai, hai tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội là phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) và phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đều đã ở trong tình trạng xuống cấp.

Khánh An ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội: Bảo đảm yêu cầu chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.