(HNMO) - Sáng nay (19/5), Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị giới thiệu về Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào và các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị. |
Đường biên giới giữa Việt Nàm và Lào có chiều dài tổng cộng 2.337,459 km với điểm khởi đầu là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc (tiếp giáp giữa các tỉnh Điện Biên - Phông Xa Lỳ - Vân Nam) và kết thúc ở giao điểm biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (tiếp giáp giữa các tỉnh Kontum - Áttapư - Ratanakiri). Đường biên giới này đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp 10 tỉnh của Lào. Hệ thống mốc quốc giới bao gồm 1.002 mốc và cọc dấu được xây dựng tại 905 vị trí.
Năm 1975, sau thắng lợi của công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân hai nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề biên giới, lãnh thổ, với mong muốn tạo dựng một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, góp phần vào việc tăng cường và củng cố tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, ta và Lào đã bắt tay ngay vào việc giải quyết biên giới. Dựa trên bản đồ Bonne của Sở Địa dư Đông Dương in năm 1945 và các đàm phán thương lượng, việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào đã được hoàn tất vào ngày 18/7/1977. Ngay sau đó, từ năm 1978 đến năm 1987, ta và Lào đã phối hợp, cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa với tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí.
Cột mốc biên giới tại ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia. |
Tới nay, sau nhiều năm tồn tại, những mốc cũ đã bắt đầu xuống cấp đồng thời thể hiện nhiều tồn tại. Nhằm tiếp tục hoàn thiện chất lượng đường biên giới trong tình hình mới, được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, từ năm 2004, Cơ quan biên giới Trung ương hai nước đã đồng chủ trì xây dựng Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào với các nội dung chính gồm: Tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; Tôn tạo các mốc hiện có và mốc tại cửa khẩu biên giới để đảm bảo kiên cố, vững chắc, khang trang; Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.
Được khởi công từ năm 2008, dự án đã triển khai trong 6 năm đầu (tới cuối tháng 6/2013) và xây dựng được 834 cột mốc tại 792 vị trí mốc, cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí đường biên giới. Trong giai đoạn tiếp theo (2013-2014), hai bên xác định và xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí đường biên giới (nâng tổng số lên 905 vị trí, tương ứng 1.002 cọc mốc và cọc dấu). Như vậy, trung bình cứ 2,5km sẽ có một cột mốc đánh dấu.
Đáng chú ý, trong năm 2015, ta và Lào đã hoàn thành việc trao đổi, đàm phán, thống nhất dự thảo “Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào”, dự thảo “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” cùng một số phụ lục. Trong đó, “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” được kỳ vọng sẽ tạo lập một văn kiện pháp lý có giá trị cao không chỉ mô tả đầy đủ, chính xác đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới theo kết quả thực hiện Dự án tăng dày tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa, phù hợp với hệ toạ độ, độ cao trên bộ bản đồ tỉ lệ 1/50.000, ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết các vấn đề về biên giới giữa hai nước đã đạt được.
Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây Thái Xuân Dũng báo cáo tổng quan về công tác biên giới Việt Nam - Lào. |
Mặt khác, nghị định thư cũng hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào đồng thời góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới; tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào.
Trong khi đó, “Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào” nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam trong tình hình mới; bảo đảm sự bền vững ổn định của biên giới quốc gia, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tạo điều kiện phục vụ việc giao lưu, đi lại, sản xuất của cư dân hai bên biên giới. Hiệp định cũng sẽ đáp ứng yêu cầu hệ thống hoá và tiêu chuẩn hoá các văn kiện pháp lý quốc tế song phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia - song song với việc gia tăng tính hài hoà và thống nhất giữa hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Lào về các vấn đề biên giới, cửa khẩu biên giới nhằm tăng cường sự tương đồng, gắn kết, hướng tới hợp tác hoà bình, hữu nghị, sự phát triển bền vững giữa hai nước.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ của mỗi bên, hai bên sẽ tiến hành quản lý đường biên giới giữa hai nước theo các văn kiện này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.