Tập trung kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy (HNM) - Kết quả nổi bật sau 10 năm Hà Nội thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) là công tác CCHC của TP đã có chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các chương trình, mục tiêu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” quận Ba Đình.Ảnh: Huyền Linh
Với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa... 10 năm qua, TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2001-2010.
Kết quả rõ nét là TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát 1.482 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do TP Hà Nội (cũ), tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh ban hành; xây dựng và ban hành trên 300 VBQPPL mới với các cơ chế, chính sách áp dụng thống nhất trên địa bàn. Việc nhất thể hóa các cơ chế chính sách với phương châm khẩn trương, thông thoáng hơn, chọn lựa những quy định phù hợp nhất của các địa phương trước hợp nhất để ban hành quy định mới đã tạo sự chuyển biến lớn trong công tác cải cách thể chế hành chính của TP. Từ năm 2001 đến nay, TP đã ban hành 2.077 VBQPPL tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, tính khả thi cao, trở thành công cụ hữu hiệu thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính thuộc TP. Cơ sở dữ liệu VBQPPL đều được đăng tải trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, thuận tiện cho tổ chức, công dân tra cứu. UBND TP đã chỉ đạo thực hiện nhiều đợt rà soát nhằm loại bỏ những TTHC ban hành không đúng thẩm quyền hoặc bất hợp lý. Đó là một nền tảng để các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tổ chức giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa". Hiện nay, 100% các đơn vị đã bố trí, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của bộ phận "một cửa", công khai bộ TTHC của TP. Nhiều quận, huyện đầu tư, thực hiện "một cửa" khá tốt như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông... Qua đó, quy trình, thời gian giải quyết TTHC đều được rút ngắn, được các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận. Trong việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, TP Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng tiến độ và vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Số TTHC được TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ là 1.292/1.816 TTHC được rà soát (đạt tỷ lệ đơn giản hóa 71,2%).
Cùng với cải cách thể chế, TP đã thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Qua đó, giảm được 6 đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc TP, còn 20 sở và tương đương; đối với cấp huyện, từ 14 phòng sắp xếp lại còn 12 phòng. Đồng thời, nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ được giao cho cấp huyện, cấp xã, TP đã thực hiện phân cấp trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng; quản lý hạ tầng đô thị, quy hoạch; kinh tế, văn hóa xã hội; đất đai, tài nguyên. Kết quả bước đầu trong thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn TP đã mang lại hiệu quả, tạo nhiều thuận lợi cho chính quyền cấp dưới và các tổ chức, công dân.
Công tác cán bộ là khâu đột phá
Xác định công tác cán bộ là một trong hai khâu đột phá, TP Hà Nội đã xây dựng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức; xây dựng quy chế về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức (CBCC); chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của CBCC. 10 năm qua, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã xây dựng 30 chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và CCHC cho gần 10.000 CBCC. Đặc biệt, việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã có chuyển biến tích cực, chất lượng từng bước được nâng cao. Đến nay, 10.722 cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; trong đó có 5.939 cán bộ chuyên trách. Để CBCC yên tâm công tác, UBND TP và một số đơn vị cấp huyện đã ban hành quy định về chế độ phụ cấp đặc thù áp dụng đối với CBCC làm công tác chuyên môn. Kết quả triển khai thực hiện CCHC luôn được coi là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác hằng năm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Công tác thanh tra công vụ cũng được thành phố duy trì thường xuyên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh cách làm việc của CBCC.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá cao những nội dung mà TP Hà Nội đã đạt được trong chương trình tổng thể CCHC, nhất là việc TP đã khắc phục được những khó khăn bộn bề sau hợp nhất để hoàn thiện bộ máy hành chính, thống nhất các VBQPPL, áp dụng chung trên địa bàn.
Trước những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo biểu dương các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện công tác CCHC thời gian qua. Kết quả đó đã được nhiều doanh nghiệp và người dân khẳng định là có nhiều điểm tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, Chủ tịch đã thẳng thắn đánh giá rằng kết quả CCHC hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, chưa đạt được như mong muốn; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, yếu kém như: việc phân công, phân cấp chưa khoa học, chưa hợp lý giữa quản lý theo ngành, theo lĩnh vực, theo lãnh thổ trong công tác quản lý đô thị; TTHC vẫn rườm rà, phức tạp, thời gian giải quyết dài; đằng sau cơ chế "một cửa" vẫn còn nhiều công đoạn; vẫn còn hiện tượng cán bộ cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, thờ ơ, đùn đẩy và né tránh trách nhiệm. Thời gian tới, TP sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống VBQPPL; kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, thực hiện thí điểm cơ chế quản lý trong một số lĩnh vực đặc thù; đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ đối với từng CBCC; thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt chính sách cán bộ.
Nhân dịp này, UBND TP đã trao Bằng khen cho 46 tập thể và 24 cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện công tác CCHC 10 năm, giai đoạn 2001-2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.