Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 42, sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tạo khung pháp lý chặt chẽ, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế
Tờ trình nêu rõ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực cũng làm cho một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc đặt ra yêu cầu bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp. Tờ trình khẳng định việc sửa đổi một cách toàn diện Luật điều ước quốc tế năm 2005 là nhu cầu cấp thiết, nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, tính chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt của Luật điều ước quốc tế, phục vụ chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo Luật điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 90 điều, giảm 17 điều so với 107 điều của Luật điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 60 điều trong dự thảo), bỏ 24 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.
Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và nhấn mạnh việc sửa đổi phải thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến điều ước quốc tế và nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật điều ước quốc tế 2005.
Các ý kiến cho rằng dự thảo Luật điều ước quốc tế (sửa đổi) phải tạo được khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành những cam kết quốc tế đem lại và bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước; quyền chủ động của các cơ quan trong đề xuất ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế phải đi kèm với trách nhiệm, có cơ chế phân công, phối hợp, kiểm tra…
Một số ý kiến nhất trí sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” vì tên của Luật hiện hành dài mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật, việc sửa tên Luật bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu và phù hợp với thực tiễn quốc tế…
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đồng quan điểm và cho rằng hành vi “gia nhập” đã nằm trong chuỗi hành vi của “ký kết” như giải thích tại Điều 2 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Tên gọi Luật điều ước quốc tế vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng không cần thiết thay đổi tên gọi của Luật vì đã thể hiện được đầy đủ nội hàm, phạm vi điều chỉnh của Luật.
Nội dung về giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, một số ý kiến cho rằng giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế khác với các hoạt động giám sát khác của Quốc hội là giám sát việc thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, kết quả giám sát có thể dẫn đến đề nghị rút khỏi, tạm đình chỉ, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế.
Vì đặc thù này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện lại các quy định tại dự án Luật điều ước quốc tế theo hướng: không quy định lại những nội dung giám sát đã được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; chỉ quy định tại Luật những nội dung giám sát điều ước quốc tế có tính chất đặc thù.
Hoàn thiện dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Dự kiến ngày 20/10 sẽ khai mạc phiên họp thứ 10.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm khác cho kỳ họp thứ 10 đã được hoàn tất. Văn phòng Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần; ban hành, triển khai kế hoạch về công tác báo chí, tuyên truyền, công tác tiếp dân, bảo đảm an ninh, an toàn… tại kỳ họp, góp phần phục vụ tốt kỳ họp.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết dự kiến kỳ họp này chưa trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính; chưa trình Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Nội dung này nên được chuẩn bị sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bổ sung một số nội dung trình Quốc hội về: xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; xem xét, thông qua Nghị quyết về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về cách thức tiến hành kỳ họp, thời lượng cụ thể của từng nội dung; phân bổ hợp lý, khoa học các nội dung làm việc của Quốc hội…
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trình tại phiên họp trù bị.
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.