Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn lưu bão có thể gây mưa to, lũ lớn ở Bắc Bộ

Theo TTXVN/Vietnam+| 22/06/2011 08:51

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết do hoàn lưu của cơn bão số 2, từ trưa mai (23/6) vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.


Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Chiều 23/6 ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động và có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Khu vực quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Tính đến 6 giờ ngày 22/6, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã thống kê, thông báo được 45.818 tàu, thuyền/200.763 người biết vị trí, diễn biến của bão số 2 để chủ động về bờ và di chuyển phòng tránh ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngày 20/6, tại bản Pha Xe, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La (Sơn La) mưa lớn gây lũ cục bộ làm 2 người mất tích do lội qua suối. Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện đã huy động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi và động viên gia đình người bị lũ cuốn.

Trà Vinh có tàu cá TV 2055 gồm 4 thuyền viên gặp lốc xoáy và bị chìm cách cửa Định An 5 hải lý. Hiện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng kết hợp với các tàu cá đang hoạt động tại khu vực trên tham gia tìm kiếm cứu nạn, đã đưa người và phương tiện vào bờ an toàn.

Từ ngày 19-21/6, trên địa bàn các huyện Phú Tân, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời (Cà Mau) đã xảy ra lốc xoáy làm sập 39 căn nhà, tốc mái 72 căn, gây sạt lở 100m chiều dài đất. Một số xã thuộc huyện Phú Quý, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã xảy ra lốc xoáy cục bộ, làm bị thương 3 người; tốc mái và hư hỏng 58 căn nhà.

Chiều 21/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp tại Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương để triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 2.

Theo đó, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục có Công điện số 14/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với bão.

Các bộ, ngành Giao thông Vận Tải, Y tế, Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo các cơ quan trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thời tiết xấu, có biện pháp đối phó kịp thời; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cà Mau đã có các Công điện và báo cáo nhanh về công tác triển khai đối phó với bão, thời tiết nguy hiểm trên biển.

Hồi 7 giờ ngày 22/6, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.

Đến 7 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, vượt qua phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đi dọc theo vùng bờ biển Việt - Trung rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 24/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ)./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn lưu bão có thể gây mưa to, lũ lớn ở Bắc Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.