(NSHN) - Ngày 14-4, Công an huyện Hoài Đức và Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) triển khai mô hình điểm "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đây là địa phương thực hiện điểm của huyện Hoài Đức nói riêng và toàn thành phố nói chung.
Trên cơ sở khảo sát địa bàn, Công an xã Tiền Yên đề xuất thành lập 6 tổ tại 2 thôn. Các thành viên Tổ liên gia được tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, kỹ thuật sử dụng các phương tiện chữa cháy cơ bản. Tiền Yên phấn đấu trong tháng 4 này sẽ tổ chức tuyên truyền tới 100% người dân và trong năm 2023, vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy.
Với 55 ngõ, ngách, Công an xã Tiền Yên dự kiến đề xuất xây dựng 66 điểm chữa cháy công cộng. Bằng việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực ủng hộ hoặc các hộ chung tay góp sức, đến nay, Tiền Yên đã xây dựng được 10 điểm chữa cháy công cộng; có 15 người dân đăng ký ủng hộ việc lắp đặt. Mỗi điểm chữa cháy công cộng ban đầu được lắp đặt nội quy, tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy, kẻng báo động; trang bị 2 bình bột chữa cháy loại 4kg.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên cho biết, với điều kiện của xã thuần nông đang từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, có nhiều hộ gia đình kết hợp vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh, nhà xưởng nằm sâu trong các ngõ, xóm; giao thông không đảm bảo cho xe chữa cháy và các xe chuyên dụng hoạt động... thì việc thành lập các tổ liên gia và mô hình điểm chữa cháy công cộng là hết sức cần thiết.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề nghị, sau khi thành lập mô hình, xã Tiên Yên tiếp tục chỉ đạo và nhân rộng mô hình, huy động đông đảo hơn nữa nhân dân tham gia “tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy” và lắp đặt nhiều “điểm chữa cháy công cộng”. Cùng với việc vận động các hộ tự trang bị bình chữa cháy, chính quyền địa phương cần có phương án xã hội hóa, hỗ trợ đối với những hộ khó khăn để 100% hộ dân có bình chữa cháy trong gia đình, đáp ứng cao nhất yêu cầu “Bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.