(HNMO) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1128-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức.
Trước đó, ngày 6-4-2023, Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Hoài Đức. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Thường trực Thành ủy thống nhất kết luận, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh…
Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với Đề án phát triển thành quận. Tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ các cấp của huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi huyện phát triển thành quận. Tiếp tục thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ gắn với chủ trương người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền không phải là người địa phương; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ...
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại phát sinh, nhất là các vụ việc liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng; tăng cường đối thoại, tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết tốt những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở, tránh để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc, không để hình thành điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Thường trực Thành ủy đề nghị, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận phát triển bền vững, đời sống nhân dân được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm. Trước mắt, cần tập trung rà soát, hoàn thành các tiêu chí thành lập quận, thành lập phường còn chưa đạt; phấn đấu thành lập quận vào năm 2025.
Cùng với phân tích, đánh giá, nhận diện đúng, đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát huy, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội…, huyện cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; quy hoạch phải đi trước một bước, bảo đảm quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Huyện cần thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 ngay từ đầu năm bảo đảm theo chỉ tiêu và dự toán được giao. Tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, khớp nối hạ tầng các khu đô thị với các khu dân cư. Quan tâm đầu tư các khu công viên, vườn hoa, sân chơi công cộng, đầu tư hệ thống tiêu thoát nước, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, Tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Chú trọng phối hợp với các địa phương lân cận trong việc giữ gìn an ninh, phòng, chống tội phạm ở những khu vực giáp ranh; thường xuyên nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động có phương án phù hợp, ứng phó kịp thời với các tình huống, bảo đảm an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện Hoài Đức được lựa chọn là một trong những điểm khởi công dự án đường Vành đai 4. Xác định việc phối hợp, triển khai dự án là nhiệm vụ trọng tâm, huyện cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng dự án trước ngày 30-6-2023 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.
Trong quá trình triển khai dự án, cần lưu ý rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng...; trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện các phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đúng quy định hiện hành của trung ương và thành phố, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Phát huy tốt vai trò người đứng đầu từ huyện đến cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, phòng ngừa sai sót, bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, thất thoát kinh phí, lãng phí, tiêu cực làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án; đồng thời, động viên, khích lệ những cách làm hay, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.