(HNM) - Không chỉ có trên đường phố, trong những công việc lặng thầm bên bàn giấy hay ở những chuyên án đầy cam go, người nữ công an nhân dân luôn như những
"Khắc tinh" của tội phạm
Những bất hạnh trong cuộc sống khi hai vợ chồng chia tay, rồi người cũ cùng cô con gái đang học lớp 10 cũng sang thế giới bên kia vì một căn bệnh hiểm nghèo tưởng chừng quật ngã Trung tá Lê Bích Thủy - Đội Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, CA quận Tây Hồ. Vượt qua nỗi đau, người sĩ quan được đồng đội mến tặng là một trong 3 "bông hồng thép" của CATP Hà Nội đó đã tham gia khám phá 218 vụ án, bắt 424 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng truy nã cực kỳ nguy hiểm. Đáng chú ý là có tới 86 vụ Trung tá Thủy trực tiếp vào tận hang ổ của tội phạm ma túy để trinh sát…
Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ. |
Hôm nay đời bất hạnh của Trung tá Lê Bích Thủy dường như đã khép lại khi hai người con, một gái, một trai của chị đều đã nối tiếp truyền thống gia đình, khoác trên mình bộ cảnh phục. Đến giờ, khi đã ngoài 50, sắp được nghỉ ngơi sau bao năm tháng cống hiến chị mới tĩnh tâm hồi tưởng về quãng đời cống hiến trong lực lượng CA với bao cay đắng, ngọt ngào mà bản thân đã nếm trải.
Từng rất yêu văn thơ và cũng là học sinh giỏi của một trường chuyên văn danh tiếng của tỉnh Hà Tây cũ, nhưng theo truyền thống gia đình, Lê Bích Thủy đã theo học trường CA với mong muốn trở thành nữ trinh sát. Ước mơ đó cũng thành hiện thực khi CA quận Tây Hồ thành lập, chị trở thành nữ trinh sát duy nhất được phân công về Đội CSĐT tội phạm về ma túy. Vừa ráo chân về đơn vị mới, Lê Bích Thủy được phân công tham gia truy bắt một đối tượng giết người, cướp của đang lẩn trốn ở Hải Dương. Lúc này, tên tội phạm đang trốn trong một chòi cá giữa cánh đồng nước mênh mông, việc tiếp cận dường như là không thể. Nhưng theo lệnh, chị Thủy phải "nhử" bằng được tên tội phạm ra cổng làng cho đồng đội bắt. Nhiều ngày vào vai gái làng chơi, kịch bản bắt giữ tên tội phạm như đã an bài khi hắn đồng ý chở chị ra khách sạn bằng xe máy. Nhưng cứ như con thú dữ, lên xe là tên tội phạm phóng với tốc độ rất cao, khiến các đồng đội không thể hỗ trợ dù trinh sát Thủy đã tìm mọi cách nỉ non bảo dừng xe cho chị hút thuốc và vờ đánh rơi một chiếc dép để lấy cớ xuống nhặt… Khi chỉ cách điểm mật phục một quãng gần, không còn thời gian đắn đo, người nữ trinh sát đã nhanh trí nhoài người lên phía trước rút chìa khóa điện chấp nhận việc cả chiếc xe cùng tên cướp đè lên người đau điếng… Chiến công đầu tiên đó đã để lại trên người Lê Bích Thủy nhiều vết sẹo.
Trong sự nghiệp "thức cho dân ngủ" của mình, dù vào nhiều vai như là bà chủ ma túy sành sỏi cầm hàng sấp đô la đi giao dịch, hay hóa thân vào một mắt xích ma túy vào tận hang ổ tội phạm mãi trong "rừng xanh, núi đỏ"… lần nào Trung tá Thủy cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Sự chín chắn trong nghề cùng bản lĩnh thép của chị được đồng đội tin tưởng đến độ hễ có mặt chị trong bất kỳ chuyên án nào là bảo đảm sẽ đem về chiến công lẫy lừng cho đơn vị. Cùng với hàng loạt Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, UBND TP Hà Nội… và danh hiệu cao quý "Người phụ nữ xuất sắc của CA Thủ đô" mang dấu ấn cá nhân của Trung tá Lê Bích Thủy đã đóng góp vào bảng vàng thành tích của đơn vị.
Sự "giàu có" về nghề nghiệp của người sĩ quan đó dường như đối lập với cuộc sống khó khăn hằng ngày khi phải đối diện với "cơm, áo, gạo, tiền". Chẳng ai có thể tin nổi, hằng ngày chị vẫn đi về tổ ấm là một căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm sát bờ sông Hồng quanh năm lộng gió.
Truyền lửa cho thế hệ sau
Đang thời kỳ nuôi con nhỏ nhưng khi Phòng CSGT (CATP Hà Nội) có kế hoạch đưa nữ CSGT ra điều tiết giao thông vào giờ cao điểm, Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân (Đội CSGT số 1) đã hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ. Cầm lá đơn Vân viết vội trên mặt giấy A4, Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội phó Đội CSGT số 1 không khỏi ái ngại vì lực lượng rất cần những chiến sỹ dày dạn kinh nghiệm như Vân, nhưng cũng lo lắng về sức khỏe của đồng nghiệp… Không phụ kỳ vọng của chỉ huy, hình ảnh người nữ CSGT quân trang chỉnh tề, tác phong nhanh nhẹn dắt một cụ bà qua đường tại khu vực Cửa Nam những ngày đầu xuống đường làm nhiệm vụ lan tỏa trên internet được công chúng đón nhận bằng những tìm cảm tốt đẹp. Nhân vật trong bức ảnh chính là Hoàng Thị Cẩm Vân. Theo đánh giá của đồng đội, Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân chẳng những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn gương mẫu, tận tình hướng dẫn các chị em trong tổ CSGT nữ cùng hoàn thành nhiệm vụ…
Cả Phòng CSGT - CATP Hà Nội vẫn gọi vợ chồng Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân là "Ông bà Ngâu" thời hiện đại bởi câu chuyện cảm động về tình yêu của họ khi cả hai đều là chiến sỹ công an. Nhịp sống thường nhật của Vân là có mặt tại cơ quan lúc 6h và trước đó chỉ kịp ghi sẵn lịch ăn sáng cho chồng con vào tờ nhật trình để đầu giường để người đồng đội đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, đồng thời cũng là người chồng biết mà làm theo. Có nhiều hôm, cả hai vợ chồng cùng phải vào một ca trực nên chỉ còn mỗi cách bế con về nhờ ông bà trông giúp. Theo Trung úy Cẩm Vân, nhiệm vụ của người chiến sỹ CSGT vất vả nhưng không gian nan bằng việc rà soát từng đối tượng, đấu tranh trực diện với các loại tội phạm như công việc của chồng. Thương chồng, nên thỉnh thoảng hết ca trực ngoài chốt, Trung úy Cẩm Vân lại gọi điện động viên bằng lời bài hát "Mùa xuân bên cửa sổ" có những ca từ phù hợp hoàn cảnh hai vợ chồng thời điểm này. Trung úy Hoàng Thị Cẩm Vân tâm sự: "Hai vợ chồng yêu nhau khi còn là học viên cảnh sát nên chúng em luôn cảm thông và hiểu nhau. Công việc không mấy khi được gần gũi càng làm chúng em thêm hiểu nhau. Anh ấy đã dành tặng em lời hát Họ tạm xa/từng ngày qua… trong bài hát mà cả hai đứa đều yêu thích để động viên nhau trong ngày 8 - 3 này!". Chuyện "ông Ngâu, bà Ngâu" của Trung úy Cẩm Vân trong các đơn vị CATP không phải là duy nhất.
Trong vườn hoa đẹp của CSGT, câu chuyện Trung úy Phan Quỳnh Anh cũng là một ví dụ cho những nỗ lực vượt khó. Vừa được thuyên chuyển từ CA tỉnh Điện Biên về công tác tại Phòng CSGT - CATP Hà Nội, cô gái miền Tây Bắc này đã được chỉ huy "chấm" ngay vào vị trí làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Dù bị gia đình và người yêu phản đối vì lo ngại phải đối mặt với những lời thị phi, những trò bông đùa thái quá có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, nhưng trước lý lẽ của Quỳnh Anh, mọi người trong gia đình không lỡ cấm cản và động viên cô cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. "Hồi còn công tác tại CA tỉnh Điện Biên, đối mặt với hàng trăm loại tội phạm ma túy sừng sỏ em còn không ngại nữa là" - Quỳnh Anh cười hiền kể như vậy.
Nghe chuyện của các đàn chị, Thiếu úy Nguyễn Hồng Anh (Đội CSGT số 1) chỉ tủm tỉm cười. Được đồng đội cho biết, cô gái ngoài 20 tuổi này mới có người yêu. Người yêu của Hồng Anh cũng là đồng đội cùng đơn vị, họ đã đồng cảm và đến với nhau trong những giờ cùng làm nhiệm vụ. Ngày 8 - 3 chưa đến nhưng họ đã kịp tặng nhau những bông hồng ước hẹn một tình yêu đẹp để cả hai yên tâm lên đường làm nhiệm vụ…
Hạnh phúc giản dị, tình yêu đơn sơ mà thắm nồng của những "bông hoa thép" đang là khởi nguồn viết tiếp nên những chiến công thầm lặng của lực lượng Công an Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.