Văn nghệ

Họa sĩ Văn Chiến:Miệt mài làm mới tranh sơn mài truyền thống

Nguyệt Thơ 19/04/2024 - 06:39

Họa sĩ Văn Chiến từ lâu đã khẳng định tên tuổi của mình trong làng hội họa sơn mài Việt Nam bởi khả năng sáng tạo vô hạn của ông với chất liệu vỏ trứng.

Niềm đam mê hội họa và những năm tháng lao động miệt mài đã đem lại cho ông nhiều thành công, gắn tên tuổi của ông với thương hiệu “Chiến Trứng”.

Nhưng không vì những thành công đã có được, họa sĩ Văn Chiến vẫn hằng ngày miệt mài “cày xới” trên cánh đồng nghệ thuật để kiếm tìm những hướng đi mới trên con đường sáng tạo.

van-chien.jpg
Họa sĩ Văn Chiến.

Vẽ cần thiết như hơi thở

Có đến xưởng vẽ cũng là căn nhà có vườn rộng rãi của ông tại 40/144 đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội), mới cảm nhận được sức sáng tạo của ông thật đáng kinh ngạc. Hàng nghìn bức tranh sơn mài, sơn mài khắc, sơn dầu, bột màu, chất liệu tổng hợp... chất ngồn ngộn từ trong nhà ra đến ngoài sân, cả trong kho tranh có mái lợp ngay trước hiên nhà...

Vài năm nay, sức khỏe của họa sĩ không còn được như trước, ông bị gout nặng, kèm theo bệnh khớp khiến công việc sáng tác với ông ngày càng trở nên khó khăn hơn do những cơn đau có thể đến bất cứ lúc nào từ sự đỏng đảnh của thời tiết miền Bắc. Con gái ông tha thiết mời bố về cùng ở chung cư Royal City để tiện bề chăm sóc nhưng ông từ chối. Ở căn nhà nơi Bến Bạc này ông cảm thấy thoải mái dễ chịu bởi ông được vẽ hằng ngày. Việc vẽ tranh đối với ông cần thiết như không khí để hít thở vậy. Không được vẽ là ông ốm, theo đúng nghĩa đen!

Sau Tết, họa sĩ Văn Chiến phải nhập viện do sức khỏe không tốt. Đến thăm ông vào một chiều mưa xuân giăng kín, ông bảo rằng mình vẫn vẽ hằng ngày. Tôi thích những bức tranh đầy sức sáng tạo của họa sĩ Văn Chiến bởi sự đa dạng về đề tài và cách thể hiện.

Khi phóng tác những con phố cổ Hà Nội hay chốn ngoại ô, một góc cảnh nông thôn Bắc Bộ hay phong cảnh vùng cao, lễ hội, phong tục, đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của người dân các vùng miền..., họa sĩ Văn Chiến gửi gắm vào tranh những rung động của người nghệ sĩ. Những cảm xúc được chắt lọc, dồn nén rồi phóng tác thành những bức tranh sơn mài rực rỡ, bay bổng hay đầy chất suy tư. Những tác phẩm được tư duy, sáng tạo và phát triển từ hàng nghìn bức ký họa bằng bút chì, bút sắt, sáp màu, phấn màu, màu nước... trong những chuyến đi thực tế hàng chục năm suốt chiều dài đất nước của người họa sĩ.

Với tranh sơn mài, kỹ thuật xử lý cốt vóc là vô cùng quan trọng. Sau nhiều năm tìm tòi, họa sĩ Văn Chiến đã thử nghiệm thành công cách chống thấm cho vóc trong quá trình gắn vỏ trứng và giữ cho màu bạc sáng mãi cùng thời gian.

Ông đặc biệt chú trọng việc xử lý vỏ trứng với các cách thức khác nhau (sống, nướng chín vừa, chín kỹ, thậm chí là nướng cháy) để có được màu sắc và hình thức phù hợp ý đồ nghệ thuật.

Họa sĩ khéo léo, tỉ mỉ và kỹ lưỡng khi sử dụng vỏ trứng kết hợp với vàng, bạc, màu then, màu cánh gián cùng sắc đỏ của son tạo ra hiệu quả cho tranh. Tranh Văn Chiến mộc mạc, giản dị mà vẫn giữ được nét sang trọng và chiều sâu vốn có của sơn mài.

Sơn mài là thể loại tranh đặc biệt riêng có của Việt Nam, là chất liệu được nhiều họa sĩ và danh họa Việt lựa chọn nhưng quả thực Văn Chiến có một "style" riêng, không lẫn vào đâu được. Ông đã sáng tạo một thể loại kết hợp giữa sơn mài và sơn khắc mà ông gọi là sơn mài khắc.

Nếu như tranh sơn khắc đơn thuần chỉ là khắc trên vóc rồi tô màu thì họa sĩ Văn Chiến lại khắc tranh, gắn trứng, dán vàng bạc, vẽ màu rồi mài đi. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ họa và hội họa. Với những nét khắc tinh tế, mảng miếng tạo hình chắc khỏe, hình khối mạch lạc, những đề tài phong cảnh, đời sống sinh hoạt, chân dung... tưởng như quen thuộc lại mang đến hiệu ứng khác lạ vô cùng thú vị.

Văn Chiến còn khiến người yêu tranh phải ngỡ ngàng và thích thú với kỹ thuật vẽ sơn ta trên toan (do đặc tính “loang” khi pha sơn ta với nhũ và búng dầu). Đó cũng là một cách sáng tạo để thỏa lòng “say” nghề của ông.

van-chien2.jpg
Họa sĩ Văn Chiến vẫn say sưa vẽ mỗi ngày. Ảnh: Lê Bích

“Hơn 40 năm làm nghề, tôi khẳng định tranh sơn mài của tôi không giống bất cứ ai. Tôi tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về sơn mài và kỹ thuật làm sơn mài thời xưa, học hỏi kinh nghiệm và chắt lọc tinh hoa từ các nghệ nhân, các danh họa để từ đó tìm cho mình một hướng đi riêng” - họa sĩ chia sẻ.

Ông cho rằng, trước đây, các nghệ nhân bị hạn chế về chất liệu rất nhiều so với hiện tại, các họa sĩ đang sống trong thời đại của khoa học công nghệ phát triển, mọi điều kiện tốt hơn nhiều thì phải biết tận dụng để tranh sơn mài Việt có thể bứt phá và nổi danh ở tầm quốc tế.

Luôn đổi mới chính mình

Mười năm trở lại đây, họa sĩ Văn Chiến chuyển sang thể loại tranh trừu tượng. Việc chuyển hướng này xuất phát từ chính nội hàm cảm xúc của ông. Từ trong sâu thẳm, sự thôi thúc của người nghệ sĩ khiến ông muốn đổi mới, muốn tìm tòi những hướng vẽ khác và duy trì năng lượng trong sáng tạo nghệ thuật.

“Không phải họa sĩ nào cũng “dám” thử sức với phong cách trừu tượng. Họa sĩ vẽ trừu tượng phải có tố chất phù hợp, tư duy cùng sự tưởng tượng phải cao cũng như phải có bề dày nội tâm và trải nghiệm sâu sắc” - họa sĩ Văn Chiến tâm sự khi được hỏi vì sao ông lại chuyển sang sáng tác tranh trừu tượng trong khi ông vẫn bán rất tốt các tác phẩm sơn mài gắn mác “Chiến Trứng”.

“Tôi muốn những bức tranh trừu tượng sơn mài của Việt Nam phải được thế giới kính nể. Hội họa trừu tượng trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, sắp đặt... thì thế giới làm nhiều rồi, nhưng trừu tượng sơn mài thì chỉ riêng Việt Nam mới có. Hội họa Việt Nam phải phô bày sở trường của mình thì bạn bè thế giới mới khâm phục và ngưỡng mộ, bởi nghệ thuật cần sự phong phú. Tranh trừu tượng là phong cách vẽ tự do, biểu hiện cảm xúc của họa sĩ lên bức tranh là chính. Khi vẽ trừu tượng, nếu có sự đắn đo, cân nhắc hoặc vật vã thì khó có thể hoàn thành tác phẩm. Nếu là tranh vẽ hiện thực, họa sĩ phải cân nhắc khi xử lý ánh sáng, bố cục, đường nét nhưng với trừu tượng, người nghệ sĩ chủ yếu bộc lộ tình cảm, cảm xúc nên phải chớp được cái thời cơ cảm xúc ấy, nếu đắn đo thì sẽ làm mất đi yếu tố trừu tượng. Khi xem tranh trừu tượng cũng vậy, phải dựa vào cảm xúc. Với tranh trừu tượng sơn mài, cùng một bức tranh nhưng mỗi người xem sẽ có một góc nhìn khác nhau, tùy theo trí tưởng tượng, tâm trạng của người xem tranh. Vẫn là bức tranh này nhưng khi vui bạn nhìn nó thấy tưng bừng kỳ lạ, nhưng lúc bạn buồn có khi lại thấy không thích” - họa sĩ Văn Chiến chia sẻ.

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên cách nhìn con người, sự vật của họa sĩ Văn Chiến rất sắc sảo và tinh tế. Có thể nói, tranh của ông có màu sắc phong phú, mảng miếng rõ ràng, phong cách hiện đại, tuy nhiên, người yêu tranh Văn Chiến vẫn cảm nhận được chất lãng mạn và hào hoa của người họa sĩ với sự sắc sảo và tinh tế trong các tác phẩm của ông.

Họa sĩ Văn Chiến sinh năm 1951, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1984. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Phong cách nghệ thuật của ông tạo được lối đi riêng, đặc biệt là sơn mài truyền thống được vẽ theo phong cách mới, góp một nét cá tính độc đáo cho mỹ thuật Việt Nam.

Tranh của họa sĩ Văn Chiến được nhiều nhà sưu tầm trong và ngoài nước lưu giữ. Các tác phẩm tiêu biểu khẳng định bản sắc và dấu ấn cá nhân của ông có thể kể đến: “Nhà tôi”, “Quê nội”, “Phong cảnh Bắc Giang”, “Đền Bảo Lộc Nam Định”, “Đình làng Tây Tựu”, “Tây Bắc tháng 3”...

Từ ngày 16-4 đến ngày 26-4-2024 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm (Hà Nội), họa sĩ Văn Chiến và Trường Đại học Nguyễn Trãi tổ chức triển lãm: "Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm từ họa sĩ Văn Chiến của Đại học Nguyễn Trãi” trong đó có rất nhiều tác phẩm mang phong cách trừu tượng đầy sáng tạo của ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Văn Chiến: Miệt mài làm mới tranh sơn mài truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.