(HNMCT) - Họa sĩ Thành Phong là tác giả của những cuốn sách như Thương nhớ thời bao cấp (cùng với Hữu Khoa), Long Thần tướng... Niềm đam mê truyện tranh đem lại cho Thành Phong nhiều cơ hội thử sức trên con đường hội họa. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Thành Phong về công việc của anh.
- Thưa họa sĩ Thành Phong, độc giả biết đến anh qua những tác phẩm đủ đề tài, từ sách tranh đến truyện tranh lịch sử, gần đây nhất là sách về đề tài khoa học viễn tưởng... Có vẻ như anh luôn khiến độc giả bất ngờ?
- Trong quá trình sáng tác, tôi không muốn đóng khung mình mà định hình phong cách mỹ thuật riêng cho từng dự án. Từ Sát thủ đầu mưng mủ cho đến Thương nhớ thời bao cấp, Long Thần tướng... với tôi đều là những thử nghiệm. Phải làm với tinh thần thử nghiệm để mình không nhàm chán khi lặp đi lặp lại một chủ đề, mỗi lần thể hiện mình phải tạo ra những giá trị lớn hơn. Thứ nữa là để mình luôn nuôi dưỡng niềm yêu thích với những đề tài mới. Tháng 5 vừa rồi tôi ra mắt một dự án sách khoa học viễn tưởng cùng tác giả Nam Thanh, đó là tiểu thuyết Aftermath - Ác quỷ rừng phế tích. Đây là một dự án hấp dẫn, hoàn toàn không liên quan đến đề tài lịch sử hay đương đại mà tôi đã thực hiện. Nó mang lại một không khí mới để mình không bị nhàm chán.
- Dường như đề tài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn lịch sử thời nhà Trần vẫn có sức hấp dẫn với anh hơn cả? Anh từng sáng tác Long Thần tướng, rồi lại minh họa nhiều tiểu thuyết lịch sử về giai đoạn này như cuốn Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...
- Đằng sau ba tác phẩm này có một câu chuyện khá thú vị và cũng là cái duyên với nghề. Tôi đã theo đuổi dự án Long Thần tướng từ mười mấy năm trước, khi còn học trung học phổ thông. Lúc đó, tôi tìm rất nhiều tài liệu về thời nhà Trần và cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông. Trong số rất nhiều sách đã đọc, tôi thấy cuốn Trần Quốc Toản của tác giả Lưu Sơn Minh có góc nhìn thú vị, sâu sắc về các nhân vật thời nhà Trần. Tình cờ sau đó bên Công ty cổ phần Văn hóa Đông A mời tôi vẽ minh họa cho cuốn Trần Khánh Dư - cũng của tác giả Lưu Sơn Minh. Khi muốn tái bản cuốn Trần Quốc Toản, anh Minh mời tôi vẽ minh họa. Cả hai nhân vật Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản cùng xuất hiện trong bối cảnh cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông như trong Long Thần tướng. Nhưng vì kiến giải khác nhau trong nội dung câu chuyện giữa Long Thần tướng và hai cuốn sách của tác giả Lưu Sơn Minh nên tôi quyết định tạo hình cho nhân vật khác nhau. Tôi nghĩ đây cũng là một cái duyên.
- Anh cũng khá quen thuộc với độc giả với vai trò minh họa sách. Gần đây nhất là tiểu thuyết Số đỏ - bản in mới của Công ty cổ phần Văn hóa Đông A?
- Thực ra đây cũng là sự tình cờ. Cuối năm ngoái tôi được công ty này mời vẽ minh họa cho cuốn Số đỏ. Đó là tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là qua các trích đoạn trong sách giáo khoa. Khi minh họa, tôi chỉ muốn lựa chọn phong cách minh họa giản dị nhất. Bản thân câu chuyện đã có sức nặng rồi. Bối cảnh xã hội, nhân vật cũng có nét đặc trưng mà cách miêu tả của nhà văn Vũ Trọng Phụng không thể lẫn với tác giả nào khác. Việc của tôi khi vẽ minh họa là làm nổi bật chân dung con người ở miền Bắc Việt Nam trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Đó là một công việc thú vị. Tôi nghiên cứu tư liệu, xem phim tài liệu. Dự án này giúp tôi nghiên cứu sâu hơn về lịch sử. Tôi bắt đầu vẽ từ cuối năm ngoái và hoàn thành vào tháng 3 năm nay.
- Trước đây chỉ là phần phụ trong mỗi ấn bản nhưng hiện nay minh họa sách được coi trọng, như một cách làm sang cho mỗi cuốn sách. Điều này có thể xem như một xu hướng hay chỉ là nỗ lực của các họa sĩ?
- Tôi nghĩ minh họa về bản chất là làm đẹp cho cuốn sách, làm rõ câu chuyện. Ở một mức độ đầu tư nào đó thì nó chính là một phần tác phẩm. Tôi nghĩ, càng ngày phần minh họa sách sẽ càng được đầu tư nhiều hơn. Bởi lẽ, nhu cầu của bạn đọc ngày càng cao và họ yêu cầu tác phẩm hoàn hảo từ nội dung đến hình ảnh.
- Cảm ơn họa sĩ Thành Phong về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.