Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Phan Thanh Sơn: “Với nghệ thuật, tôi thích những gì là duy nhất”

Mai Đình| 26/11/2022 13:50

(HNMCT) - Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật gốm, với công việc giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Phan Thanh Sơn đã giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mà ở đó luôn thể hiện sự tìm tòi, vừa công phu, bài bản, vừa phóng khoáng, ngẫu hứng.

- Thưa họa sĩ Phan Thanh Sơn, anh có thể giới thiệu qua về triển lãm “Sành 2022” vừa được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp?

- Tôi rất tâm đắc với chữ “sành” bởi nó mộc mạc nhưng lại là câu chuyện lịch sử gốm sứ Việt. Với sành, chúng tôi thể hiện được nhiều nhất, mỗi người là một phong cách khác nhau. Trong quan điểm của người Á Đông nói chung, vẫn có sự phân loại gốm, sành, sứ... nhưng ở triển lãm “Sành 2022”, chúng tôi muốn nhắc lại rằng: Sành đã bước từ bếp lên phòng khách, từ một chỗ bình dân lên trang trọng, từ sản phẩm trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Tôi đã có hơn 20 năm làm gốm và rất hiểu về gốm. Vì thế, trong quá trình làm việc, chúng tôi không gò bó trong quan niệm rằng phải thế này hay phải thế kia. Chúng tôi luôn muốn tạo sự bất ngờ, đôi khi hơi buồn một chút nhưng đọng lại là sự thú vị, bởi không có gì là “nhân khuôn” cả, mỗi sản phẩm là duy nhất.

- Tôi nghe nói anh đã đi và học rất nhiều, cuối cùng mới chọn gốm là nghề mà mình sẽ gắn bó cả đời?

- Tôi làm quen với gốm từ khi chưa bước chân vào trường. Đó là năm 1984, 1985, khi tôi sang làng Bát Tràng, được nặn chơi một cục đất. Kỷ niệm ấy cứ đeo đẳng tôi mãi, cho đến khi tôi thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, theo chuyên ngành gốm. Sau thời gian học đại học, tôi đã dành 10 năm để đi khắp nơi trên đất nước ta, trải nghiệm về gốm. Cuối cùng, tôi chọn gốm là nghề nuôi sống mình và mình sẽ là người tôn vinh vẻ đẹp của gốm. Ít người dám bỏ ra 10 năm tìm hiểu về nghề gốm. Nghề gốm khắc nghiệt, không phải như ai nói là “ngẫu hứng” mà phải là sự tích hợp đầy đủ kiến thức của các ngành khoa học khác. Với một sinh viên mới ra trường - 23 tuổi, trong lòng đầy tự tin mình là sinh viên giỏi nhưng khi va vào nghề mới biết mình có nhiều cái để học. 10 năm ấy tôi được trải nghiệm, thay đổi quan điểm từ việc học chính những người thợ, từ kỹ năng đến văn hóa của những vùng miền đó. Để cuối cùng có một Phan Thanh Sơn của ngày hôm nay với sự tích hợp hiểu biết về rất nhiều vùng gốm trên đất nước ta.

- Từ đó anh đã có nhiều lần “Chơi đất”?

- Triển lãm đầu tiên của tôi sau 10 năm ra trường được thực hiện vào năm 2007. Tôi làm triển lãm “Chơi đất 1” cùng họa sĩ Hà Viết Cương tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm tích hợp trải nghiệm, thành công cũng như thất bại của chúng tôi sau 10 năm. Nhưng cũng chính triển lãm “Chơi đất 1” đã làm thay đổi cuộc đời tôi, mang đến cho chúng tôi cái nhìn rất khác về nghệ thuật gốm, khiến tôi hiểu hơn rằng: Người theo đuổi nghề cần một sự đầu tư nhất định về mặt thời gian thì mới gặt hái được thành công.

Ban đầu tôi cũng có tham vọng, nhưng sau đó bình tĩnh suy xét lại thì nhận thấy mình phải làm quen dần với từng chất liệu. Năm 2007 làm triển lãm “Chơi đất 1”, tôi chỉ đầu tư vào chất liệu sành nâu ở Phù Lãng, Hương Canh... Triển lãm “Chơi đất 2” năm 2013 là sự bước qua bản thân mình. Ở triển lãm này, vẫn có sành nâu Phù Lãng nhưng phần lớn lại là sành trắng Bát Tràng. Đến năm 2015, trong triển lãm lần thứ 3, các tác phẩm gốm của tôi thể hiện sự tìm tòi về chất liệu sành trắng và những biến thể của chất liệu này. Đến năm 2019 thì chất liệu không còn là vấn đề, điều quan trọng lúc này là sự định hình phong cách. Tôi hy vọng trong một vài năm nữa sẽ làm “Chơi đất 5” để tạo dấu ấn sau sau hơn 20 năm theo đuổi nghề. Tôi không so sánh tôi với bất kỳ ai mà chỉ so sánh với bản thân mình mà thôi. Mình phải bước qua chính mình thì mới có thể phát triển được.

- Sau sành trắng men màu, anh có định thử nghiệm thêm chất liệu khác?

- Trong chất liệu đất đã có 28 thành phần, chỉ cần thay đổi tỷ lệ của một thành phần nào đó thì nó đã khác. Chính vì thế, với một cục đất để làm gốm, chỉ xoay vần quanh nó thôi thì cả một đời người cũng chưa thể hết được, chưa nói đến men. Nếu hiểu về men, nếu biết gốc men thì có thể hòa trộn nó trở thành những cái rất khác so với bản gốc. Ví dụ, với tất cả tác phẩm sành trắng mà mình từng làm, chủ yếu tôi sử dụng các men màu truyền thống ở làng nghề. Nhưng tôi cũng như các họa sĩ khác luôn tìm cách pha trộn để tạo ra sự khác so với bản gốc mà ngay cả người Bát Tràng cũng không thể đọc được đó là men gì. Điều đó khiến cho những họa sĩ như chúng tôi cảm thấy hân hoan, bởi sau những gì mình làm người ta sẽ không thể làm lại cái thứ hai. Với nhà sản xuất thì họ có thể ghi lại công thức ấy. Nhưng với các họa sĩ, người ta thường để cho mọi thứ tự do. Với nghệ thuật, tôi thích những gì là duy nhất.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Phan Thanh Sơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Phan Thanh Sơn: “Với nghệ thuật, tôi thích những gì là duy nhất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.