Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Vẽ chính là trải nghiệm sống

Bảo Trân| 12/03/2022 11:28

(HNMCT) - Họa sĩ Lê Thiết Cương từng tâm sự rằng, đầu tiên anh theo phong cách tối đa, cách thể hiện trên tranh không thừa một chi tiết nào. Thế nhưng, người thầy của anh - nhà thơ Đặng Đình Hưng đã phát hiện ra “hạt tối giản” trong tố chất của anh. Không định trước con đường này, nghệ thuật tối giản đến với anh một cách tự nhiên. Không chỉ tối giản trên tranh, anh còn đưa phong cách hội họa tối giản lên gốm, thổi cho gốm một hình dáng khác, linh hồn khác.

- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, không chỉ thành công với các tác phẩm tranh bột màu, sơn dầu, anh còn “đắm đuối” với gốm?

- Cách đây 5 năm, tôi đã làm triển lãm “Thơ Gốm”. Tôi chọn câu thơ của các nhà thơ mà tôi yêu thích và viết lên trên lọ gốm Bát Tràng, kèm theo hình minh họa cho câu thơ đó. Sau đó, vào năm 2020 tôi lại có một triển lãm khác về gốm với chủ đề “Kinh gốm”. Tôi đã chọn những câu thơ thiền nổi tiếng chủ yếu từ thời Lý - Trần và viết lên trên lọ gốm, kèm theo đó là hình minh họa. Ngoài gốm Bát Tràng, tôi có thêm vào các sản phẩm gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng, gốm Thanh Hà (một làng gốm ở ngoại ô Hội An, Quảng Nam). Những câu thơ của Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông và một số câu thơ của Nguyễn Du đã đi vào những sản phẩm gốm của tôi như vậy.

- Có vẻ như họa sĩ Lê Thiết Cương nung nấu ý muốn đưa một dáng hình mới của gốm vào cuộc sống hiện đại?

- Đó vẫn luôn là công thức muôn đời, bởi nếu không đi theo con đường ấy thì nghề thủ công mỹ thuật của người Việt sẽ chết. Cho dù là một làng gốm lâu năm, có truyền thống thì nếu anh vẫn làm những cái lọ, cái vại như ngày xưa, với những họa tiết như thế sẽ không đi được vào đời sống hiện đại. Tôi tận dụng đất tốt nhất của Bát Tràng, lửa hay nhất của Bát Tràng, nước của làng Bát Tràng... Bạn chỉ nên lấy truyền thống ấy, tay nghề ấy, nguyên liệu ấy, kỹ thuật ấy nhưng bạn phải thổi vào đấy một câu chuyện mỹ thuật hiện đại thì nó mới có thể sống được trong đời sống hôm nay. Ví dụ, trong một ngôi nhà được thiết kế hiện đại, bạn không thể đưa một lọ gốm với các họa tiết rồng phượng. Điều đó không phải là không hay nhưng nó là một giá trị đã qua. Và không chỉ với gốm, nghề đúc đồng, mây tre đan, khảm trai, sơn mài... cũng thế. Tôi luôn luôn ghi nhớ và luôn ủng hộ tuyệt đối công thức ấy: Nguyên liệu, kỹ thuật là truyền thống, mỹ thuật phải hiện đại.

- Vậy còn dự định sắp tới của anh với gốm thì sao?

- Tôi dự định tổ chức triển lãm tranh và gốm với chủ đề “Kiều”. Đó là 24 bức tranh bột màu trên vải màn, được bồi trên giấy dó, cộng thêm 20 lọ gốm Bát Tràng, với những câu thơ khá quen thuộc như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, hay “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” được viết trên lọ gốm kèm theo hình vẽ minh họa. Hoặc là hình ảnh nàng Kiều chơi đàn: Lần đầu tiên cho Kim Trọng, lần thứ hai phải chơi cho vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, lần thứ ba phải chơi theo sự ép buộc của Hồ Tôn Hiến với câu thơ mà nhiều người biết: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”... Vẽ được những hình ảnh đó lên lọ gốm cũng là một quá trình thú vị. Muốn vẽ Kiều, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần "Truyện Kiều", đọc cả những bình luận về Kiều của các nhà nghiên cứu tên tuổi... Tôi cũng phải đến các đình, chùa để xem hoa văn, họa tiết, các nét chạm khắc...

- Trong hành trình sáng tạo của mình, anh từng chia sẻ: Người họa sĩ không chỉ vẽ mãi bằng tay mà phải tìm thấy lòng mình thì mới có nghệ thuật?

- Đến một giai đoạn của cuộc đời thì vẽ chính là trải nghiệm sống. Một người vừa tốt nghiệp đại học vẽ khác, còn khi 60 tuổi thì vẽ khác. Các cung bậc cảm xúc: Buồn - vui, hạnh phúc - đau khổ... cũng là nguyên liệu. Nhiều khi tôi vẽ bằng ký ức, hồi niệm. Bạn phải sống với mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc của con người. Nhìn tranh sẽ biết ngay người đó như thế nào. Bởi cũng chỉ có từng ấy màu, từng ấy giấy, bút nhưng người có trải nghiệm sống, có tình cảm thì cách dùng màu của họ cũng khác.

- Cho đến thời điểm này, nếu nói về con đường hội họa tối giản của mình, anh có thể khái quát trong cụm từ nào?

- Tối giản là một đại lộ mà mỗi người phải tìm ra được một phố, ngõ, ngách cho riêng mình. Cũng giống như khi chúng ta nói về hội họa trừu tượng, cũng là một đại lộ. Con đường của tôi là hội họa tối giản - thiền. Bởi vì thiền là vô ngôn, nói thật ít hoặc không có gì để nói. Tôi tự nhận hội họa tối giản của tôi gần với mỹ học thiền.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Vẽ chính là trải nghiệm sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.