Họa sĩ Phạm Viết Song sinh ngày 2-1-1917. Năm nay ông tròn 88 tuổi. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi đến thăm nhà ông ở phố Thiền Quang. Vẫn luôn hóm hỉnh, yêu đời, miệng ngậm tẩu, tay cầm bút vẽ giữa bộn bề những tấm tranh sơn dầu khổ lớn, ông vừa mới hoàn thành 6 bức về Phong Nha-Kẻ Bàng, sông Nhật Lệ, thánh địa Mỹ Sơn sau một chuyến rong ruổi suốt miền Trung cùng với họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, con trai ông.
Họa sĩ Phạm Viết Song sinh ngày 2-1-1917. Năm nay ông tròn 88 tuổi. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi đến thăm nhà ông ở phố Thiền Quang. Vẫn luôn hóm hỉnh, yêu đời, miệng ngậm tẩu, tay cầm bút vẽ giữa bộn bề những tấm tranh sơn dầu khổ lớn, ông vừa mới hoàn thành 6 bức về Phong Nha-Kẻ Bàng, sông Nhật Lệ, thánh địa Mỹ Sơn sau một chuyến rong ruổi suốt miền Trung cùng với họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, con trai ông.
Đây không biết là chuyến đi vẽ lần thứ bao nhiêu của họa sĩ lão thành Phạm Viết Song. Chỉ biết rằng việc được đắm mình trong những phong cảnh thiên nhiên đất nước, được trò chuyện và tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương trên khắp các vùng miền Tổ quốc đã trở thành “năng lượng” không thể thiếu trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Thời trai trẻ, khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã đi khắp các làng quê Bắc bộ, rồi đi vẽ ở Huế, Hội An. Những ngày Cách mạng tháng Tám, có lần đi vẽ ở Huế, ông được giao luôn nhiệm vụ tiếp quản các di tích ở cố đô, ông đã xa gia đình ở Hà Nội gần 2 năm. Nhắc đến tên ông thì hầu như họa sĩ nào cũng biết vì nhiều người trong số họ đều từng là học trò của ông. “Lớp cụ Song” từ lâu đã trở thành tên gọi trìu mến của nhiều thế hệ học trò luyện thi vào trường ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu. Thế hệ các họa sĩ như Cơ Chu Pin, Phạm Đức Phong, Nguyễn Đình Huống... thì nhớ mãi những lớp Mỹ thuật thủ đô ngoài giờ do họa sĩ Phạm Viết Song gây dựng trong kháng chiến chống Mỹ. Ai cũng nhớ lời dạy của thày: “Tranh là truyền cảm, truyền cái đẹp của thiên nhiên và cả tâm hồn nữa cho con người.”.
Trở lại với chuyến đi vừa qua của một họa sĩ gần 90 tuổi, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam vẫn chưa hết bồi hồi: “Thật là một chuyến đi không thể tưởng tượng! Trước khi đi sức khỏe của ba tôi đã kém. Chính tôi phải đi cắt 30 thang thuốc để ông uống lại sức. Vậy mà vẫn như mọi lần, ông đã quyết tâm lên kế hoạch đi vẽ là đi. Không bàn cãi. Đưa tôi 20 triệu tiền bán tranh từ mấy đợt, ông bảo:Hãy tổ chức cho ba một chuyến đi theo con đường di sản Miền Trung”. Và cũng như mọi lần, họa sĩ Lam không thể từ chối trước sự quyết đoán của cha mình. Hai cha con đi tàu hỏa vào Quảng Bình với đích đầu tiên là Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo thói quen từ thời trẻ, ông vẽ ký họa bằng bột màu rất kỹ, nhiều khi là những bức tranh hoàn chỉnh, thu vào đó những cảm xúc trực tiếp trước cảnh vật, con người. Rồi sau đó về nhà ông mới dựng thành tranh sơn dầu khổ lớn. Trong động Bi Ký, ngồi thuyền bồng bềnh trên mặt nước, họa sĩ Lam thuê dọi đèn lên vách động, cụ Song vẽ liền 2 tiếng đồng hồ. Sau khi ăn trưa ngoài cửa động, ông vẽ thêm hai bức ở đó. Thật hiếm có ai diễn tả màu xanh của thiên nhiên tài tình như họa sĩ Phạm Viết Song : màu xanh biếc của mây trời, những gam màulam đủ các sắc độ của núi non trập trùng, màu ngọc bích trong trẻo của mặt nước...
Trên đường từ Đồng Hới vào Quảng Trị, họa sĩ Lam đã đưa ông vào thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị, nơi anh đã góp những giọt máu của mình ở đó và không thể quên những đồng đội đã hy sinh. Hai cha con đã khóc. ở Huế một ngày, hôm sau đi ô tô qua đèo Hải Vân, 3 giờ chiều đến Mỹ Sơn- hoạ sĩ Lam kể tiếp- Cái nắng chói chang của vùng bán sơn địa, không một bóng mát. Khu di tích đang được tôn tạo, bụi bay mù mịt. Một ông già gần 90 tuổi đi bộ gần 3 giờ đồng hồ từ bến đỗ vào khu vực tháp. Về nhà thấm mệt, vậy mà hỏi cụ: “Mai ba đi nữa không?”. “Có chứ” chắc nịch”. Hoạ sĩ Lam cho biết thêm: “Gần chục năm nay, hai cha con đã có những chuyến đi vẽ điền dã liên tiếp: Sa Pa, Mai Châu, Thanh Hoá, Đồng Hới, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu... Tôi chủ trương không vẽ để tận tâm phục vụ bố.”
Hôm sau, với giá, màu vẽ lỉnh kỉnh trên vai đến chỗ chắn barie, họa sĩ Lam được mấy anh bảo vệ cho thuê chiếc Honda 50 không phanh, không còi. Hai cha con vào đến khu tháp Mỹ Sơn lúc 9 giờ sáng. Khoảng hai tiếng cụ vẽ xong một bức. Nhiệt độ lên đến gần 38-39 độ. Mồ hôi đổ túa cũng không làm cụ nản lòng. Có một lán nghỉ của công nhân xây dựng gần đó, họ mời hai cha con nghỉ trưa. Mọi người đều kinh ngạc trước sức làm việc của người họa sĩ cao niên và cùng trầm trồ trước 3 bức vẽ của ông. Đây những khối tháp Chăm rêu phong cổ kính nổi bật giữa trời đất, cỏ cây như những dấu son còn mãi với thời gian. Họa sĩ đưa vào tranh những tương phản sáng tối bằng những mảng màu lớn chắc khỏe. Người xem thấy trong tranh ông sự tinh tế và vững vàng của một tâm hồn nghệ sĩ không biết già. ở đó là gam màu tươi sáng của chính thiên nhiên với ánh nắng nhiệt đới đã được chắt lọc qua mắt nhìn của người họa sĩ. ở đó là bố cục chặt chẽ của hình khối trên nền cảnh thiên nhiên đã được họa sĩ đắn đo trước khi đặt bút. ở đó là tình cảm luôn tươi mới mà mỗi lần đặt chân đến là một lần thêm những phát hiện...
Cùng với niềm vui, phấn khởi, là không ít những lo lắng hốt hoảng khi thấy cha mình bị ốm sau những ngày đi vẽ, họa sĩ Lam nhớ lại: “Đến 3-4 giờ sáng tôi không sao ngủ được. Sờ vào chân tay ông lạnh toát. Ông bị sốt rồi viêm họng mất tiếng. Đưa ông về đến nhà “trả” cho bà, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”. Đám học trò và bạn bè ông thì không ngạc nhiên khi thấy sau những trận ốm “thập tử nhất sinh” như vậy, ông lại hào hứng lấy palet pha màu và cầm cọ vẽ để hoàn thành những tấm tranh sơn dầu khổ lớn- kết quả đầy mãn nguyện của người họa sĩ sau những chuyến đi với tình yêu và niềm đam mê suốt đời với phong cảnh và con người quê hương.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.